Đáp ứng điều nhà đầu tư cần nhất

Trong giai đoạn mới, Việt Nam xác định thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên cơ sở những lợi thế bền vững, lâu dài, đồng thời chủ động hướng dòng vốn vào những định hướng ưu tiên.

Gần đây, có ý kiến cho rằng giới đầu tư nước ngoài đã “chán” Việt Nam, thể hiện qua con số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt mức 8,03 tỷ USD, bằng 66,9% so với cùng kì năm 2011.

 
Sản xuất dụng cụ y tế tại Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (100% vốn Nhật Bản)
tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. - Ảnh: SGGP

Thêm vào đó, con số FDI được đăng kí tại Việt Nam, thường chênh lệch xa với lượng FDI được chính thức đưa vào sử dụng vì tốc độ giải ngân chậm.

Phải thừa nhận một thực tế rằng, vốn FDI vào Việt Nam đã chững lại đáng kể. Những lý giải về tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến dòng vốn FDI trên thế giới sụt giảm, chưa phải đã thực sự thuyết phục, khi báo cáo mới đây của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho biết, dòng vốn FDI toàn cầu đạt mức 1.400 – 1.600 tỷ USD vào năm 2011, là mức trước khủng hoảng. Thậm chí, UNCTAD còn dự báo, FDI toàn cầu sẽ đạt mức 1.700 tỷ USD vào năm 2012 và mức 1.900 tỷ USD vào năm 2013, tương đương với mức cao nhất đã đạt được trong năm 2007.

Nhiều thông tin gần đây cũng cho thấy, các lợi thế về giá nhân công rẻ, giá thuê đất rẻ đã không còn là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các vấn đề về cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước… tiếp tục là những trở ngại. Đặc biệt, những bất ổn trong kinh tế vĩ mô thời gian gần đây cũng đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại.

Tuy nhiên, có một lý do rất quan trọng là Việt Nam đang chủ động nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI, chú trọng về chất hơn là về lượng như trước kia, trên cơ sở nhận thức rõ ràng về những lợi thế cạnh tranh không bền vững, những hạn chế trong môi trường đầu tư.

Năm 2012, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xác định thu hút FDI tập trung vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; công nghiệp hỗ trợ; các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, các dự án sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, dự án tiết kiệm nhiên liệu, không sử dụng nhiều lao động giá rẻ... Vì thế, lượng vốn FDI đăng ký cả năm nay có thể sụt giảm nhưng cơ cấu đầu tư phải từng bước bảo đảm được những định hướng ưu tiên nêu trên.

Trên thực tế, thời gian gần đây, cơ cấu thu hút FDI theo lĩnh vực cũng đã chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực khi các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ áp đảo (68,5% trong 7 tháng đầu năm). Cùng lúc, tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản cũng giảm dần.

Mặt khác, con số vốn FDI vào Việt Nam giảm sút chỉ thuộc về vốn đăng ký, còn vốn giải ngân vẫn duy trì khoảng 11 tỷ USD/năm. Trong 7 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,3 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, chúng ta không phải quá lo ngại khi nhìn thấy vốn đăng ký FDI giảm, vì cái quan trọng nhất là các dự án FDI ở Việt Nam vẫn đang triển khai tốt. Hơn nữa, trong sự sụt giảm này, cũng còn có lý do Việt Nam đang thay đổi tư duy và chính sách trong thu hút vốn FDI, không tiếp nhận những dự án FDI đăng ký “ảo” với số vốn hàng tỷ USD”.

Phát triển những lợi thế cạnh tranh bền vững

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, GS, TS Nguyễn Mại, nhà đầu tư là doanh nghiệp vừa và nhỏ coi trọng ưu đãi thuế, trong khi nhà đầu tư lớn với chiến lược đầu tư dài hạn đòi hỏi phải có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, hệ thống pháp lý minh bạch, công khai và ổn định, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo các chuyên gia, các động thái của Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy nỗ lực trong việc tái khẳng định tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Trong đó, nỗ lực rõ rệt nhất là việc tái ổn định kinh tế vĩ mô một cách quyết liệt kể từ Nghị quyết 11 năm 2011. Những quyết sách trong Nghị quyết 11 đã phát huy tác dụng, mà theo các chuyên gia, rõ nét nhất là lạm phát theo năm đã giảm từ trên 22% ở thời điểm tháng 7/2011 xuống còn 5,35% vào tháng 7/2012.

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ không để tái diễn vòng luẩn quẩn lạm phát lên rất cao, siết lại, tăng trưởng giảm rồi kích cầu và lạm phát trở lại. Thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.

Việt Nam cũng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2011-2020 bao gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại.

Cho tới nay, những động thái cụ thể để triển khai các đề án tái cơ cấu ngân hàng cũng như doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam đã được đánh giá là có những tác động tích cực đến tâm lí nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó cho thấy quyết tâm hành động thực sự của Việt Nam trong nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng và phát triển.

Vấn đề giải ngân trong các tháng đầu năm 2012 cũng được các chuyên gia cho là tốt hơn so với cùng kì năm ngoái, chứng tỏ sự tiến bộ trong công tác quản lí và năng lực hấp thụ nguồn vốn FDI. Điều này cũng cho thấy các thủ tục đầu tư đã được cải thiện thêm một bước.

Còn rất nhiều việc phải làm để thu hút nhiều hơn nữa, và quan trọng hơn, để nâng chất dòng vốn FDI vào Việt Nam. Hơn ai hết, các nhà đầu tư sẽ đưa ra những đánh giá chính xác nhất về các giải pháp trên đây, nhưng có thể tin rằng môi trường đầu tư sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Không phải ngẫu nhiên khi có những ý kiến cho rằng trong vòng 2-3 năm tiếp theo, rất có thể sẽ có làn sóng đầu tư mới rất lớn vào Việt Nam.

Nguồn Chinhphu.vn