Vì sao thiếu đất sản xuất ở các xã miền núi Ninh Thuận?

(NTO) Trong các cuộc tiếp xúc gần đây của các đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, một trong những vấn đề mà cử tri huyện Bác Ái quan tâm đặt ra là thực trạng thiếu đất sản xuất. Theo cử tri các thôn Tà Lọt (Phước Hòa), Ma Ty (Phước Tân) và các xã Phước Trung, Phước Thắng, sau khi di dời khỏi vùng lòng hồ, nhường đất cho dự án hồ thủy lợi, bà con chưa được cấp đất sản xuất nên cuộc sống chưa thể ổn định.

Tính đến nay, toàn huyện Bác Ái có 671 hộ thiếu khoảng 332 ha đất sản xuất. Ngoài các xã kể trên, còn có các xã Phước Thành, Phước Tiến và kể cả xã Phước Đại ở ngay trung tâm huyện cũng thiếu đất sản xuất. Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái lý giải: “Từ khi tái lập huyện đến nay, Bác Ái đã thu hồi nhiều diện tích đất để phục vụ cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của huyện như đường giao thông, trường học, bãi vật liệu, đặc biệt là xây dựng hệ thống kênh mương và các công trình hồ chứa như: Sông Sắt, Phước Trung, Phước Nhơn, Tân Mỹ, Trà Co”- tình trạng thiếu đất canh tác không chỉ ở Bác Ái mà còn diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi khác.

Đất vùng đồi núi thuận lợi cho phát triển chăn nuôi.
 

Tương tự ở Bác Ái, huyện Thuận Bắc vốn có diện tích đồi núi tương đối nhiều, để xây dựng hồ chứa nước Sông Trâu và Bà Râu, Thuận Bắc thu hồi 595 ha đất nông nghiệp và mất trên 1.000 ha đất nông nghiệp khác cho các dự án khu công nghiệp Du Long, khu du lịch Bình Tiên và nhiều dự án công trình khác. Dù đã giải quyết hỗ trợ 83,9 ha đất sản xuất, cho 267 hộ theo Chương trình 134, hiện tại Thuận Bắc vẫn còn 733 hộ, thiếu khoảng 183,25 ha đất sản xuất.

Theo đồng chí Trượng Ngọc Anh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2002 đến năm 2011, tỉnh ta đã giao tổng diện tích 3.378,09 ha đất sản xuất cho 5.357 hộ. Tuy nhiên công tác giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa hình miền núi chủ yếu có độ dốc lớn, đất xấu, bạc màu, nắng hạn bình quân 9 tháng/năm, không thuận lợi cho việc đầu tư hệ thống thủy lợi. Qua khảo sát thực tế cho thấy phần lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chưa có công tác quy hoạch sử dụng đất, nơi có quy hoạch thì lại chưa triển khai thực hiện kịp thời theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Những năm qua, mặc dù tỉnh đã tiến hành quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp để tạo quỹ đất canh tác nhưng phần lớn chỉ là đất phù hợp cho trồng rừng sản xuất, nếu đưa vào trồng cây lương thực không có hiệu quả cao, chưa nói trong khi trình độ canh tác của người dân miền núi còn hạn chế. Vì vậy đến nay toàn tỉnh vẫn còn 1.448 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhu cầu được tiếp tục giải quyết đất sản xuất.

Phát huy hiệu quả tưới của công trình thủy lợi Sông Sắt giúp nông dân xã Phước Tiến (huyện Bác Ái)
trồng lúa nước đạt năng suất trên 50 tạ/ha. Ảnh: Sơn Ngọc

Trước những vấn đề đặt ra về đất sản xuất cho miền núi, tỉnh ta chủ trương tiếp tục chỉ đạo các địa phương quy hoạch, lập kế hoạch cấp đất cho các hộ dân. Song đó là bài toán không phải dễ tìm lời giải. Đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc cho biết: “Đất khai hoang ở Thuận Bắc hầu hết là đất sỏi đá vùng đồi núi khó canh tác nông nghiệp, nơi nào khá hơn cũng phải mất vài năm cho đất thuần mới tạm trồng trọt được nên khó mà đáp ứng đủ nhu cầu đất sản xuất cho người dân”. Thực tiễn tại Bác Ái càng thấy rõ, hiện nay huyện vẫn không đủ đất để giao cho một số hộ dân thôn Suối Lở (xã Phước Thành) và 52 hộ dân tái định cư xã Phước Thắng (của dự án hồ Sông Sắt); không có đất thực hiện dự án khai hoang tái định canh cho 33 hộ tại xã Phước Trung bị thu hồi đất làm lòng hồ; không có đất sản xuất để giao 70 ha cho người dân tái định cư hồ Trà Co (Phước Tân). Đất nông nghiệp miền núi đã hiếm, lại thêm chính sách còn bất cập với định mức hỗ trợ khai hoang, phục hóa đất sản xuất quá thấp trong khi đồng bào dân tộc thiểu số đều nghèo, không có vốn thêm vào để khai hoang. Qua đó cho thấy thiếu đất sản xuất ở miền núi có nguyên nhân do nguồn lực đầu tư hạn chế, nhiều địa phương đã không còn đất dự phòng để cấp và việc khai hoang, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế nan giải trên, có thể thấy giải quyết đất canh tác cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không thể dứt điểm trong vài năm được, do đó tỉnh ta kiến nghị Trung ương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ đất sản xuất kéo dài đến năm 2020. Đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, thiếu đất hoặc có đất sản xuất không hiệu quả, cần được hỗ trợ đa dạng hóa ngành nghề và có chính sách đặc thù chuyển đổi ngành nghề truyền thống, phát triển chăn nuôi. Ở nơi có điều kiện hơn, cần tăng định mức hỗ trợ khai hoang đất sản xuất từ vốn ngân sách và quan tâm hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp như hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng.