An ninh là chủ đề chính của Hội nghị Liên minh châu Phi

Hội nghị tập trung vào việc thảo luận tình hình bất ổn tại Mali, bạo lực tái diễn tại Cộng hòa dân chủ Congo...

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 19 đã khai mạc tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia hôm 15/7, với sự tham gia của nguyên thủ hàng chục quốc gia thành viên và khách mời.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình châu lục diễn biến đặc biệt phức tạp với nhiều điểm nóng, chương trình nghị sự chính của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần này tập trung vào việc thảo luận tình hình bất ổn tại Mali, bạo lực tái diễn tại Cộng hòa dân chủ Congo và cuộc khủng hoảng giữa Sudan và Nam Sudan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Jean Ping khẳng định, AU sẵn sàng điều lực lượng an ninh đến khu vực miền Đông Cộng hòa dân chủ Congo nhằm duy trì nền hòa bình, cũng như chấm dứt các hoạt động bạo lực của các nhóm phiến quân tại quốc gia thành viên này.

Đề cập tình hình bất ổn nghiêm trọng hiện nay tại Mali, Chủ tịch Jean Ping nhấn mạnh, tình hình bất ổn tại miền Bắc Mali là đáng báo động và việc khôi phục trật tự tại đây là vô cùng cấp thiết.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, tình hình tại Mali và những hệ lụy của nó đang trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh và sự ổn định của châu lục”, ông Jean Ping nói.

“Hội đồng an ninh và hòa bình cùng cao ủy của Liên minh châu Phi đã thực hiện các nỗ lực không mệt mỏi nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Chúng ta cần củng cố tiến trình khôi phục trật tự hiến pháp và sớm thực hiện việc thành lập một chính phủ đại diện thực sự tại Mali theo yêu cầu của nhóm ECOWAS. Chúng ta cần sớm lập lại an ninh và chính quyền nhà nước tại miền bắc Mali trong thời gian sớm nhất có thể để trấn áp các nhóm vũ trang, khủng bố và tội phạm đang hoành hành tại đây.”

Về tiến trình đàm phán giữa Sudan và Nam Sudan, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi bày tỏ sự hài lòng trước tiến triển đã đạt được giữa hai bên, đặc biệt là cam kết nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi và Liên Hợp Quốc để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Bên cạnh những nội dung nghị sự chính ở trên, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần này còn bầu ra chức Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi trong bối cảnh Bộ trưởng Nội vụ Nam Phi, bà Dlamini Zuma, tiếp tục thách thức chiếc ghế Chủ tịch AU của ông Jean Ping sau khi cả hai ứng cử viên này đều không giành được 2/3 số phiếu cần thiết trong cuộc bỏ phiếu bầu người lãnh đạo khối tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi hồi đầu năm nay./.

Nguồn VOV Online