Phải rất nỗ lực xuất khẩu mới cán đích

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 53,1 tỷ USD, nhưng bối cảnh nhiều rào cản, để đạt kim ngạch dự kiến cả năm khoảng hơn 109, 5 tỷ USD không hề dễ.

6 tháng, đạt 48,5% kế hoạch

Theo Bộ Công Thương, với mức kim ngạch ước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2011, tương đương với gần 9,7 tỷ USD bằng 48,5% so với kế hoạch năm (109,5 tỷ USD).

Ngành thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 4%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,6 tỷ USD, chiếm 61,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm ước đạt 8,85 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 6 tháng năm 2011 là 1,6 tỷ USD/tháng.

Nhìn trong bối cảnh chung của nền kinh tế, xuất khẩu được đánh giá là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cả năm, Bộ Công Thương cho rằng, sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân là do không chỉ giá xuất khẩu giảm mà thị trường xuất khẩu cũng bị thu hẹp khi các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tiêu biểu là xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 6 tháng qua chỉ đạt 10,4 tỷ USD, giảm 2,4% so với tỷ trọng năm 2011 (năm 2011 chiếm 22%). Trong đó, do giá xuất khẩu giảm mạnh nên dù lượng tăng kim ngạch vẫn thấp. Đơn cử, cao su giảm sâu tới 31,6%, sắn giảm 16,5%, hạt điều giảm 10,1%... Còn xuất khẩu tôm vào Nhật Bản, thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam khi xuất khẩu, cũng đang phải đối diện với nhiều rào cản nhất. Đặc biệt là Nhật Bản tăng tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, hàm lượng chất Ethoxyquin trong tôm bị chủ yếu đến từ nguồn thức ăn nuôi tôm nhập khẩu nên doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản khó kiểm soát.

Và xuất khẩu sang thị trường các nước châu Đại Dương tăng thấp (chỉ tăng 4,7%). Do việc giảm sút kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả khu vực châu Phi, giảm 30,1%.

Nhìn chung, tăng trưởng xuất khẩu có sự đóng góp lớn của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến và chủ yếu do sự đóng góp của các mặt hàng thuộc khối doanh nghiệp FDI sản xuất như: điện thoại các loại, linh kiện, máy ảnh, máy vi tính, sản phẩm điện tử… với mức tăng 7,8 tỷ USD so với cùng kỳ.

Song, do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm, tính riêng do giảm giá xuất khẩu đã làm giảm hơn 900 triệu USD xuất khẩu. Còn dệt may có giá trị xuất khẩu lớn nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 8,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước và thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước đã thể hiện sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đặc biệt rơi vào những doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ trong nước.

Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng nhận định, tình hình suy giảm đơn hàng bắt đầu từ giữa tháng 4 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, số doanh nghiệp thiếu hàng sản xuất toàn ngành dệt may tăng lên, khoảng 15%.

Còn theo Hiệp hội Da giầy, tình trạng các đơn hàng giảm 25-30% đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp. Trong khi đó, việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới không dễ, nhất là những thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, môi trường và đang dần thay đổi cách thức mua hàng.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản, nhất là xuất khẩu tôm, Bộ Công Thương cần kiến nghị với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để tăng hàm lượng chất Ethoxyquin trong tôm như quy định của các nước EU và Hoa Kỳ cũng như sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tôm kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thay đổi quy định hàng rào kỹ thuật này.

Đồng thời, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quy định việc xuất khẩu cá tra, với điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu phải có nhà máy chế biến sản xuất... để giảm số lượng đầu mối xuất khẩu quá nhiều như hiện nay, gây nên sự cạnh tranh không cần thiết.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đặt mục tiêu những tháng tiếp theo sẽ phải khẩn trương thực hiện các chương trình xúc tiến Thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường, nhất là tại các thị trường tiềm năng như Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Australia.

Cạnh đó, sẽ phải tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; Chỉ đạo các tham tán thương mại tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Hiệp hội để chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết các vụ việc phát sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều chỉnh linh hoạt thuế xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu./.

Nguồn VOV Online