Tăng trưởng chậm trên toàn châu Á

Thị trường châu Á sau một tuần với những biểu hiện tích cực trước quyết định của gói cứu trợ kinh tế của liên minh châu Âu đã bắt đầu quay trở lại quỹ đạo di chuyển chậm chạp trước sự hoài nghi về hiệu quả cũng như thời gian cần thiết để tiến hành gói cứu trợ này.

Diễn biến của thị trường châu Á trong các báo cáo ngày 3/7 có phần hỗn tạp. Đồng euro sau những ngày ngắn ngủi có biểu hiện tốt trước kết quả bất ngờ sau cuộc họp về quyết định gói cứu trợ kinh tế cho châu Âu tuần trước đang bắt đầu tụt giá.

Giá dầu thô gần một tuần trước đã tăng lên đến 79 USD một thùng sau khi quyết định của lãnh đạo châu Âu về gói cứu trợ được công bố tuy nhiên cũng đã giảm trước sự ngờ vực về việc thực thi gói cứu trợ này.

Trong khi đó các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc vẫn đang bị đẩy vào tình thế phải hạ lãi suất quyết liệt và chấp nhận tăng trưởng chậm để kiềm lạm phát và kích cầu cho nền kinh tế trong nước trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu tại các nước này bị giảm mạnh trước tâm lí về tương lai bất định của kinh tế châu Âu cũng như sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mĩ, vốn là những thị trường chính cho ngành sản xuất các nước châu Á.

Những con số thống kê được đánh giá là kém cỏi của của các ngành sản xuất tại Trung Quốc đang khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không lấy lại đà trong thời gian ngắn.

Haibin Zhu, chuyên gia kinh tế của chi nhánh ngân hàng JPMorgan đóng tại Hongkong cho hay: “Sự suy giảm có xu hướng gia tăng về cung lẫn cầu của thị trường trong và ngoài nước là sự biểu hiện cho nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung”.

Những ý kiến tương tự cũng được đưa ra đối với nền kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế của những nhà xuất khẩu công nghệ hàng đầu thế giới, ví dụ như Canon, hãng kiếm đến 80% thu nhập từ thị trường quốc tế. Chỉ số xuất khẩu của nước này cuối tháng Sáu vừa qua tụt xuống 47,5, mức thấp nhất kể từ tháng Hai.

Bên cạnh những diễn biến không mấy khả quan của kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc, thống kê của ngành sản xuất của Đài Loan và Hàn Quốc cuối tháng Sáu cũng đang ở mức thấp nhất trong năm tháng trở lại đây.

Nền công nghiệp của Ấn Độ vốn chịu ảnh hưởng lớn của thị trường trong nước đã có dấu hiệu hồi phục vào tháng Sáu, tuy nhiên vào đầu tháng Bảy cũng đã có báo cáo về việc tăng trưởng xuất khẩu vào mức chậm nhất sáu tháng qua.

Các chuyên gia cho biết họ dự đoán các nước nói trên vẫn phải đứng trước áp lực phải nới lỏng tiền tệ và chấp nhận tăng trưởng chậm trong nhiều tháng tới./.

Nguồn www.chinhphu.vn