Đẩy nhanh sự phục hồi của công nghiệp

Tăng trưởng công nghiệp đã xuống đáy sâu nhất vào quý I/2012 và đã có dấu hiệu thoát đáy, vượt dốc đi lên trong quý II.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP do công nghiệp tạo ra trong 6 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước như sau:

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Từ biểu đồ trên có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý về diễn biến tăng trưởng công nghiệp trong 6 tháng qua.

Thứ nhất, tăng trưởng công nghiệp đã xuống đáy sâu nhất vào quý I/2012. Cụ thể, tăng trưởng toàn ngành công nghiệp quý I/2012 đã xuống khá sâu so với tốc độ tăng của quý I/2011 (4,03% so với 5,65%, giảm tới 1,62 điểm phần trăm).

Tăng trưởng công nghiệp xuống sâu nhất khi số điểm phần trăm giảm của công nghiệp lớn hơn so với số điểm phần trăm giảm của GDP của cả nước (1,57 điểm phần trăm), lớn nhất so với số điểm phần trăm giảm của các nhóm ngành (nông, lâm nghiệp- thuỷ sản giảm 0,81 điểm phần trăm, dịch vụ giảm 0,97 điểm phần trăm).

Công nghiệp chế biến- ngành có GDP tính theo giá so sánh chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn ngành công nghiệp (76,2%), cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ nền kinh tế (25,8%) và được coi là ranh giới đã chuyển từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp (theo thông lệ quốc tế) khi tỷ trọng này đã vượt qua mốc 37%- lại bị giảm sâu nhất: số điểm phần trăm bị giảm lên tới 4,51.

Tốc độ tăng GDP của công nghiệp ngang với GDP của toàn bộ nền kinh tế là hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm.

Việc xuống đáy sâu nhất của công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến do nhiều nguyên nhân. Ngoài các nguyên nhân chung của toàn bộ nền kinh tế ở đầu vào, đối với ngành công nghiệp có khó khăn nổi bật là khâu tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu bị sụt giảm. Tốc độ tăng tiêu thụ trong nước chỉ còn bằng 1/3, tốc độ tăng xuất khẩu chỉ còn bằng 2/3, làm cho tồn kho sản phẩm tăng mạnh. Tốc độ tăng tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến vào thời điểm 1/3 so với cùng thời điểm năm trước lên đến 34,9%, một số ngành, sản phẩm còn tăng cao hơn, nhất là sắt thép, xi măng...

Thoát đáy, đi lên

Thứ hai, tăng trưởng công nghiệp đã có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên trong quý II. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp so với cùng kỳ năm trước, nếu của tháng 3 chỉ tăng 6,5%, thì tháng 4 đã tăng 7,5%, tháng 5 tăng 6,8% và tháng 6 tăng 8%- tính chung 6 tháng đã cao hơn quý I (4,5% so với 4,1%). Tốc độ tăng GDP do công nghiệp tạo ra trong 6 tháng đầu năm đã cao hơn của quý I (tăng 0,73 điểm phần trăm).

Tốc độ tăng GDP do công nghiệp tạo ra trong 6 tháng đầu năm đã cao hơn của quý I.
Ảnh minh họa

Số điểm phần trăm tăng của công nghiệp chế biến (0,81 điểm phần trăm) đã cao hơn của toàn ngành công nghiệp. Tăng trưởng GDP do toàn ngành công nghiệp tạo ra trong 6 tháng đã cao hơn tăng trưởng GDP của toàn bộ nền kinh tế (4,76% so với 4,38%). Đây là tín hiệu tích cực để công nghiệp lấy lại vị thế là động lực, đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Việc thoát đáy vượt dốc đi lên trong quý II của công nghiệp do nhiều nguyên nhân. Ngoài các nguyên nhân chung như toàn bộ nền kinh tế, riêng đối với công nghiệp có một số nguyên nhân cụ thể.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đến 30/4/2012 của toàn ngành công nghiệp đạt 830,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,35% so với thời điểm của năm trước, trong khi tốc độ tăng tổng dư nợ tín dụng của cả nước mang dấu âm (-0,59%); do vậy tỷ trọng của công nghiệp trong tổng dư nợ tín dụng đến 30/4/2012 đã cao hơn cùng thời điểm năm trước (31,73% so với 29,94%).

Riêng công nghiệp chế biến, dư nợ tín dụng tăng 5,19% và tỷ trọng trong tổng dư nợ tín dụng tăng từ 21,95% lên 23,22%, cao hơn tỷ trọng của ngành này trong GDP (21,7%), thể hiện sự ưu tiên vào ngành trọng điểm. Công nghiệp điện, khí, nước dư nợ tín dụng tăng 6%, tỷ trọng trong tổng dư nợ tín dụng tăng từ 5,15% lên 5,49%, cao hơn tỷ trọng của ngành này trong GDP (3,95%)- thể hiện việc ưu tiên đi trước một bước của ngành điện.

Tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp của 5 tháng cao hơn của 3 tháng (3,6% so với 2%). Tốc độ tăng tồn kho sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến đã giảm xuống qua các thời điểm: nếu tháng 3 là 34,9%, thì tháng 4 là 32,1%, tháng 5 là 29,4%, đến tháng 6 còn 26%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP do công nghiệp tạo ra đã cao lên trong quý II, nhưng tính chung 6 tháng năm nay vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng của 6 tháng năm trước (4,76% so với 6,98%), thấp tới 2,22 điểm phần trăm. Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến có số điểm phần trăm giảm nhiều hơn (3,7 điểm phần trăm) và tốc độ tăng của ngành này thấp hơn tốc độ tăng của toàn ngành công nghiệp.

Công nghiệp cần lấy lại vị thế trước đây (từ năm 1991-2010, tăng trưởng sản xuất liên tục đạt hai chữ số; tỷ trọng công nghiệp trong tổng GDP của cả nước cao nhất trong các ngành, đã làm cho công nghiệp trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế).

Để đẩy nhanh sự phục hồi của công nghiệp, cần áp dụng nhiều giải pháp. Một là tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như Nghị quyết 13 của Chính phủ; mở rộng hơn nữa đối tượng cho vay khác, nhất là các lĩnh vực đang có thị trường tiêu thụ.

Hai là cơ cấu lại nợ cả về thời hạn, lãi suất... theo tinh thần Nghị quyết 13. Nghiên cứu các điều kiện cho vay, nhất là mở rộng thế chấp bằng hàng tồn kho, hay tín chấp bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Ba là mua lại nợ xấu, đặc biệt là những doanh nghiệp vì những lý do khách quan và có triển vọng phục hồi nhanh.

Bốn là đưa dư nợ tín dụng cho ngành công nghiệp ngang bằng với tỷ trọng trong GDP (35,4%).

Năm là đã đến thời kỳ các ngân hàng thương mại cần chủ động tìm đến với các doanh nghiệp, các dự án vừa để tiếp thị, vừa để phối hợp với doanh nghiệp, ban quản lý dự án tháo gỡ khó khăn; chuyển đổi vị thế lâu nay là doanh nghiệp phải tìm đến ngân hàng.

Sáu là khơi thông việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nhất là vật liệu xây dựng, trong đó có một số hướng quan trọng, như các công trình của chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng công nghiệp phụ trợ; đưa công nghiệp về nông thôn. 

Nguồn www.chinhphu.vn