Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, hầu hết ý kiến nhất trí các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện chế định luật sư, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.
Về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư, một số ý kiến cho rằng, người làm luật sư phải hiểu biết rộng, có kiến thức tranh tụng trước phiên tòa, do vậy cần phải có giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư.
Ðể bổ nhiệm được các chức danh như: Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì các đối tượng này phải trải qua thời gian đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bắt buộc từ 3 – 6 tháng và thời gian công tác thực tiễn nhất định.
Đại biểu Nguyễn Minh Kha (đoàn Cần Thơ) cho rằng: Hơn 6 năm qua hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư trong cả nước đã đóng góp tích cực và hiệu quả vào hoạt động của các cơ quan tố tụng. Luật sư tham gia giúp cho quá trình điều tra, xét xử của các cơ quan tố tụng đảm bảo khách quan, thận trọng, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo môi trường pháp lý thuận lợi. Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên rất đáng trân trọng, hoạt động của tổ chức luật sư trong cả nước thời gian qua còn rất bất cập. Sau khi ban hành luật năm 2006 đội ngũ luật sư từng bước được bổ sung nhưng còn nhiều mặt hạn chế. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng khi hành nghề luật sư, nhất là kỹ năng ứng xử nghề nghiệp chưa thực sự chuyên nghiệp. Ở điều 14, đại biểu Nguyễn Minh Kha cho rằng: Tập sự hành nghề luật sư, theo luật hiện hành và trong thực tiễn thời gian qua tập sự là 18 tháng, trong dự thảo luật là 12 tháng. Theo tôi giữ nguyên như luật hiện hành để tạo điều kiện tập sự có thời gian va chạm thực tế, học hỏi kỹ năng hành nghề giúp cho hành nghề chính thức đủ bản lĩnh, trình độ nghiệp vụ.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị: Trong thời gian qua tổ chức và hoạt động của luật sư bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không có quyết định, chế tài đảm bảo hiệu quả để cho luật sư có mặt tham gia tố tụng đúng quy định, thiếu quy định về xử lý trách nhiệm của luật sư trong việc thực hiện nghĩa vụ với khách hàng, quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư hiện hành không những chưa khẳng định được vị trí của luật sư mà còn không tạo ra được cơ chế ngăn ngừa những hành vi tiêu cực có thể xảy ra. Đại biểu Ánh đề nghị trong luật sửa đổi lần này phải xây dựng thành những điều luật cụ thể trong luật về quy tắc đạo đức, quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hoạt động của luật sư để có chế tài phù hợp.
Đại biểu Đặng Công Lý (đoàn Bình Định) nêu ý kiến: Về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư các đối tượng như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên đã có thời gian công tác được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trải qua thực tiễn công tác nhất định, theo tôi không nên quy định phải có thời gian 5 năm trở lên giữ các chức danh đó mới miễn đào tạo nghề luật sư. Bởi vì đối với 1 sinh viên học 5 năm ra trường về công tác tại ngành tòa án trong thời gian quy định là 4 năm trở lên thì mới được đi học lớp nghiệp vụ xét xử mà lớp này quy định là 1 năm thì tổng cộng là 10 năm mà khi học về chưa chắc đã được bổ nhiệm làm thẩm phán sơ cấp”.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.
Về các trường hợp đã bị kết án không được hành nghề luật sư, có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là phù hợp vì với tính chất đặc thù của hoạt động luật sư, vì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố quan trọng.
Bên cạnh đó, cũng có một số đại biểu không đồng tình với quan điểm này. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) đề nghị: Việc cấm hoạt động nghề nghiệp đối với những người bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi đã được xóa án tích, theo tôi điều này chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước ta. Người phạm tội khi đã được xóa án tích thì coi như họ chưa can án và để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng chống việc phân biệt đối xử. Nếu cho rằng luật sư là một nghề đặc biệt đòi hỏi cao về mặt đạo đức là chưa thỏa đáng. Do đó tôi đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo của Luật.
Về quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo luật và cho rằng, những viên chức đang giảng dạy pháp luật trong các trường vẫn thuộc diện được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định này sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) tán thành với quan điểm phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật này theo Tờ trình của Chính phủ, thống nhất với một số ý kiến đã được lưu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp và qua nghiên cứu ý kiến dự kiến tiếp thu, giải trình của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng cho rằng: Sự cần thiết phải có giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư, nhưng cần phải bảo đảm mặt bằng chung đối với các chức danh tư pháp khác. Đối với những người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên kể cả thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên sơ cấp thì giữ như quy định hiện hành.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: Nhìn chung ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với việc cần sớm ban hành luật này và ý kiến phát biểu rất phong phú, sôi nổi, tập trung vào những vấn đề chính của dự án luật mà Đoàn thư ký kỳ họp đã gợi ý. Nhiều ý kiến lập luận rất sắc bén, xác đáng, có nhiều gợi ý cụ thể cho từng nội dung. Chúng tôi xin ghi nhận đầy đủ và sẽ báo cáo giải trình trong kỳ họp sau khi xem xét thông qua dự án luật này.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam