Chuyện về màu xanh trên đảo

Nói về cây xanh trên quần đảo Trường Sa, nổi tiếng nhất có lẽ là bàng vuông và phong ba. Hai loài cây tựa như những biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của đất và người nơi đây. Thế nên, như một sự mặc định, tên gọi Trường Sa như gắn liền với tên hai loài cây này. Nhưng nơi tuyến đầu Tổ quốc còn biết bao nhiêu điều thú vị về cây xanh mà bàng vuông, phong ba chỉ là một phần trong số đó.

Cây không tên

Chúng tôi đến đảo Nam Yết vào giữa trưa một ngày tháng 5. Ôi, đảo đẹp và mát lành đến lạ kỳ. Những tán cây ken dày trên đảo như những tấm khiên lớn chống chọi với cái nắng dữ dằn của biển cả, tạo ra những khoảnh sân mát mà hàng trăm người có thể ngồi thư giãn hoặc tổ chức liên hoan, hội họp không cần phải quạt điện hay máy lạnh. 

 
Cây mù u trên đảo Nam Yết. Ảnh: Hiền Lương

Sự mát lành của Nam Yết đã khiến tôi không thể rời mắt khỏi những cây xanh nơi đây. Ấn tượng đầu tiên là một cây lá tròn nhỏ như đồng xu đứng ngay bên hội trường chung của đảo. Thật khắc nghiệt, cây vừa gãy mất một cành sau trận bão vừa qua, nhưng dáng vẻ phong trần vẫn toát lên sự vững chãi. Thân cây cao 4-5m màu xám, rất thô nhám, gồ ghề ngả ra như dáng "bạt phong". Lá cây gần giống như lá cây ruối, nhưng anh em chiến sĩ trên đảo không ai biết tên loài cây này. Sự đặc biệt của cây không tên này là ở Nam Yết và có lẽ cả quần đảo Trường Sa, là duy nhất.

Anh Mai Văn Bằng, Chính trị viên đảo Nam Yết, một người có thâm niên công tác trên quần đảo Trường Sa cho biết, anh em cũng hỏi nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác trước đó nhưng không ai biết tên cây là gì. Chỉ có điều sức chịu đựng của cây rất tốt, trong khi bàng vuông hay phong ba còn héo hon, bợt bạt vì vị mặn của biển, cả bốn mùa "cây không tên" lá vẫn xanh bóng. Về tuổi của cây, cũng không ai nắm chắc, nhưng nhiều người phán đoán phải hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Đó là một cây cổ thụ, một "cụ cây" hàng đầu trên đảo. Anh em chiến sĩ trên đảo cũng rất muốn biết tên loài cây này, nhưng chưa biết hỏi ai. Có người cũng định đặt tên cho cây như họ vẫn thường làm với nhiều cây chưa rõ tên khác, nhưng một phần vì cây loại này không phổ biến, phần khác là vì "nể" cây cổ thụ nên anh em cứ gọi là "cây không tên" cho dễ nhớ, dễ gần.

Nói về cây cổ thụ thì có lẽ Nam Yết cũng phải xếp hàng đầu trên quần đảo Trường Sa. Ngoài "cây không tên" còn có nhiều cây to lớn và lâu năm khác như cây mù u ở giữa đảo với tán rộng hàng trăm mét vuông. Anh em chiến sĩ trên đảo cho biết, ở phía tây đảo trước đây còn mấy gốc bàng vuông cổ thụ rất to lớn nhưng nghe nói đã bị bão đánh bật gốc từ trước năm 1975. Rút kinh nghiệm, nhiều cây cổ thụ trên đảo được anh em chống đỡ hỗ trợ để chống chọi với bão biển. Nhờ đó, lớp cây lâu năm trên đảo hiện nay cũng rất phong phú, một số cây to vừa một người ôm, có những cụm gốc bàng vuông 4-5 thân cây to như những khẩu thần công cùng chụm lại rất ấn tượng.

Nho Trường Sa

Ở Trường Sa, bàng vuông được nhắc đến nhiều, nhưng bàng ta cũng không hề kém cạnh về số lượng. Tuy nhiên, có lẽ nhiều nhất và ngày càng phổ biến trên các đảo là loài cây tra. Cây tra có mặt ở khắp các đảo, cả đảo nổi lẫn đảo chìm. Ở đảo chìm như Đá Lớn, Đá Tây, Cô Lin, cây tra được anh em chiến sĩ sáng tạo trồng vào chậu cảnh, trong khi trên các đảo nổi, cây tra tạo nên những khoảng xanh rộng lớn. Ấn tượng nhất là trên đảo Trường Sa lớn (thị trấn Trường Sa), có một đoạn đường nội bộ dài cả trăm mét rợp bóng cây tra. Nhiều cây tra cho tán lá rộng cả trăm mét vuông, gốc cây to đường kính 30-40cm. Sở dĩ cây tra nhiều như vậy vì loài cây này dễ trồng, sức sống mãnh liệt. Lá cây tra khi già có màu nâu thẫm giống lá bàng ta vào mùa se lạnh. Lá non thì có màu xanh nõn nà. Dưới ánh nắng mùa hè, những lá tra non cứ sáng lên nổi bật trên nền lớp lá già tựa như những chiếc đèn trang trí.

Hôm lên đảo Trường Sa lớn, trong lúc đang thong thả bước dưới tán cây trước nhà khách Thủ đô, chúng tôi gặp chiến sĩ trẻ Đặng Thái Nguyên (sinh năm 1992) được phân công phục vụ tại đây. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa tôi và Nguyên xoay quanh chủ đề cây xanh. Cậu chỉ cho tôi hai cây còn rất "trẻ" trước nhà khách rồi bảo: Anh biết đó là cây gì không? Tôi đã xem nhiều cây tra nên trả lời rất nhanh: "Cây tra". "Đúng là cây tra, nhưng anh em trên đảo còn gọi là một cái tên rất lạ" - Nguyên nói - "Tên là gì vậy?" - Tôi sốt sắng. Nguyên cười rất hiền và tiết lộ: - "Là nho Trường Sa anh ạ". Rồi cậu giải thích, tháng 5 chưa phải mùa "nho Trường Sa" vì cây tra chưa ra quả. Quả tra khi chín ăn rất ngon, đặc biệt là có màu nâu đen rất giống quả nho chín, nên được gọi tên như vậy.

Cây tra còn có "công dụng" đặc biệt khác mà tôi đã được trải nghiệm. Nguyên tiết lộ là lá nho Trường Sa ăn với thịt lợn luộc rất bùi và ngon. Tò mò, tôi hái một chiếc lá bánh tẻ trên cây tra trước cửa nhà khách Thủ đô ăn thử. Vị lá tra hơi chát, nhưng mát và bùi, hơi giống lá mít. Đến trưa, trong bữa cơm thân mật mà các cán bộ, chiến sĩ trên đảo mời đoàn công tác số 14, thật bất ngờ, chúng tôi có dịp thưởng thức món thịt lợn luộc ăn với lá tra. Thịt lợn trên đảo được coi là "siêu sạch", có người còn đùa là "siêu đi bộ" vì nhiều chú lợn được nuôi thả rông cứ đi bộ khắp đảo. Bàn ăn đặt ngay dưới cây tra, nên sau khi bày cơm ra, chỉ việc nhổm dậy hái lá tra xuống là ăn. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người đã phải thốt lên sau khi thưởng thức. Món ăn đặc biệt này quả thực là không chê vào đâu được.

Cây thuốc quý

Có một loài cây thuốc quý mà tôi tình cờ được anh Thiếu tá Bùi Văn Thành (đảo Nam Yết) cho biết là cây nhàu. Anh bảo: "Người trên đảo gọi là cây cà phê dại. Vì lá và quả rất giống cà phê". Khi đã biết tác dụng của cây nhàu, đến thăm các đảo Sơn Ca, Trường Sa Lớn tôi có dịp tham khảo thêm về loài cây này. Hóa ra, anh em chiến sĩ trên đảo ai cũng tường tận. Cà phê dại của Trường Sa có công dụng chữa cao huyết áp bằng cách dùng rễ và quả phơi khô ngâm rượu uống. Chính các y, bác sĩ trên các đảo đã chỉ cho cán bộ, chiến sĩ công dụng này. Và đã từ lâu vị thuốc này trở thành món quà của lính đảo Trường Sa đối với bạn bè, người thân trong gia đình. Trước khi rời thị trấn Trường Sa, chúng tôi tới thăm Phân đội 85. Lúc chia tay, Trung úy Nguyễn Tài Tuyền khoe rằng đang phơi rễ nhàu để làm quà cho người thân, trong đó có bố sắp ra thăm đảo. "Ở đảo chỉ có những món quà "cây nhà lá vườn" như thế này thôi anh ạ. Nhưng đó là cả tấm lòng của người lính chúng em. Em tin là bố sẽ thích" - Tuyền nói. Tình cảm mộc mạc, chân thành của Tuyền khiến chúng tôi cứ ấn tượng mãi.

PGS Nguyễn Khắc Khôi và PGS Vũ Xuân Phương (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) là những người có tâm huyết với thiên nhiên quần đảo Trường Sa. Cây tra được trồng và phổ biến trên các đảo Trường Sa có một phần công sức của các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật của các ông. Sau khi nghiên cứu, hai vị PGS khẳng định, Trường Sa không hề "nghèo" thực vật so với một số vùng trong đất liền. Với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nền đất cát san hô nghèo chất dinh dưỡng, số lượng loài và cá thể cây thân thảo chiếm đông đảo nhất, kế đó là cây bụi, còn cây thân gỗ không nhiều. Bàng vuông, mù u, phong ba, dừa, mộc chi, giờ có thêm tra và một số loại khác là đại diện cây thân gỗ. Cây thân thảo phổ biến nhất là muống biển và các loài thuộc họ hòa thảo (các loại cỏ một lá mầm)… Cây bụi phổ biến nhất là hếp và nhàu. Tính ra, Trường Sa có 117 loài thực vật bậc cao thuộc 42 họ trong 3 ngành. Đó là con số ấn tượng, nhưng ấn tượng hơn nữa là chính các nhà khoa học nói trên cũng phải thừa nhận: Thảm thực vật Trường Sa có được như ngày hôm nay chính là nhờ phần lớn vào bàn tay chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ trên đảo hết thế hệ này qua thế hệ khác. Họ là những con người không chỉ "gan bền, chí thép", chắc tay súng bảo vệ chủ quyền mà còn rất hiền hòa, yêu quý thiên nhiên.

Nguồn Báo Hànộimới