Gặp người kéo cờ giải phóng trên đảo Song Tử Tây

Thượng úy Lê Xuân Phát – người đầu tiên cắm lá cờ giải phóng đảo Song Tử Tây xúc động và tự hào khi được trở lại hòn đảo mà năm xưa ông đã cùng đồng đội vượt ngàn sóng ra đánh đuổi địch.

Con tàu mang số hiệu HQ 996 rời bến vào một ngày nắng đẹp đầu tháng 4. Trên tàu đa phần là những người trẻ, chưa một lần được đặt chân tới Trường Sa, hồi hộp chờ đợi rồi chợt như vỡ òa cảm xúc khi nghe tiếng còi tàu vang lên dóng giả, báo hiệu chuyến hành trình bắt đầu. Với họ, đi là để cảm nhận, để biết và thêm tự hào, yêu mến về một vùng đất mà cha ông đã không tiếc xương máu gìn giữ hàng thế kỷ qua.

 
Thượng sỹ Phát xem lại những bức ảnh tư liệu về đảo Song Tử Tây

Thế nhưng, trong chuyến hành trình này, ít người biết rằng, còn có những người con từng chiến đấu, từng vào sinh ra tử, quyết giữ vững quần đảo trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Một trong số đó là Thượng úy Lê Xuân Phát – người đầu tiên cắm lá cờ giải phóng đảo Song Tử Tây – hòn đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa vào ngày 14/4/1975.

Vừa kéo cờ, vừa khóc

Ở một góc nhỏ của con tàu, người đàn ông có mái tóc hoa râm lặng lẽ nhìn từng đợt sóng nhỏ vỗ quanh mạn tàu, đôi vai ông rung rung kìm nén những tiếng nấc nghèn nghẹn. Đã 37 năm, kể từ ngày đất nước bình yên, đây là lần đầu tiên, Thượng úy Lê Xuân Phát mới được đứng trên một con tàu vượt biển, nhưng quan trọng hơn, đây cũng là lần đầu tiên ông trở lại đảo Song Tử Tây sau gần 40 năm tự tay cắm lá cờ đầu tiên giải phóng trên hòn đảo này.

Sau cơn bão số 1, biển trở nên êm ái lạ lùng. Những ngọn gió mang theo vị mặn mòi của biển cả như đưa ông trở về miền ký ức mà đã lâu ông coi đó như báu vật của cuộc đời…

Quê ở Hoằng Hóa-Thanh Hóa, chàng trai Lê Xuân Phát tình nguyện nhập ngũ năm 1972, lúc đó mới 19 tuổi. Nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lại thạo về sông nước, lập tức Phát được chuyển sang đào tạo về đặc công nước. Khóa học rất khắc nghiệt, đòi hỏi người học viên phải nỗ lực hết mình mới theo kịp.

Ông kể rằng: Nghề đặc công rất đặc biệt, nhất là đặc công nước. Để đảm báo tính bí mật, bất ngờ, với những chiến sĩ đặc công nước thì thời điểm thuận lợi nhất để tấn công là vào ban đêm và lúc thời tiết xấu, có giông, bão… Hằng ngày, ngoài việc phải tập lặn sâu dưới nước 2-30m, tập nín thở, hít thở, ông cùng những đồng đội phải bơi ít nhất gần 20km không nghỉ.

Những năm 1975, khi cả nước đang hừng hực khí thế chuẩn bị cho cuộc nổi dậy tổng tấn công, Lê Xuân Phát lúc đó đang công tác ở Đội 1, Tiểu đoàn 861 thuộc Binh chủng Hải Quân, nhận được lệnh vào Nam chiến đấu. Lúc nhận được lệnh, chàng trai mới 22 tuổi đầu vui mừng khôn xiết, vì đây là trận đánh đầu tiên trong đời binh nghiệp của mình. Phải đến lúc vào đến cảng Đà Nẵng, ông mới biết nhiệm vụ của mình và các đồng đội là giải phóng đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa.

 
Thượng sỹ Phát xúc động gặp lại đồng đội trên đảo Song Tử Tây

Ông Phát nhớ lại: Đợt đó đi có tất cả 3 tàu không số, được ngụy trang như những con tàu đánh cá của ngư dân quanh vùng. Sàn tàu bằng gỗ được nạy hết lên để lấy chỗ cho hơn 20 chiến sĩ gồm bộ đội chủ lực, bộ binh, hải quân và hỏa lực… ngụy trang. Trên tàu giăng đầy lưới để tránh sự chú ý của địch.

“Chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Đà Nẵng là ngày 11/4. Lênh đênh trên biển khoảng 2 ngày, đến 4h30 phút sáng 14/4/1975 thì đến Song Tử Tây. Sau khi đồng chí chỉ huy xác định mục tiêu, thả neo và báo động các chiến sĩ dưới boong lên tiếp cận mục tiêu, anh em chúng tôi lúc đó vẫn say sóng, cảm giác lâng lâng. Nhưng khi đặt chân xuống xuồng cao su để tiếp cận đảo thì ai cũng tỉnh, vì chúng tôi biết, điều chờ chúng tôi phía trước sẽ là một trận đánh sinh tử”, ông Phát kể.

Lực lượng lúc đó được chia làm 4 mũi, tiếp cận đảo bằng 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Lê Xuân Phát lúc đó ngoài nhiệm vụ chiến đấu, có thêm nhiệm vụ nặng nề và thử thách - đó là phải kéo cho bằng được lá cờ của quân giải phóng trên đảo Song Tử Tây. Lá cờ giải phóng được giao cho Thượng sỹ Lê Xuân Phát từ trong đất liền và được buộc chặt quanh người.

Lúc lên tới đảo, để đảm bảo tính bất ngờ, Thượng sỹ Phát cùng đồng đội phải bơi vào để tiếp cận đảo. Lúc đó, cả đảo bị những đám cây sâm đất che phủ, đây cũng là nơi làm tổ của nhiều loài chim biển. Thấy người, đám chim bay vụt lên. Địch ở trong bắn ra nhưng vẫn không biết là đảo đã bị bao vây. Mãi đến khi Thượng sỹ Phát cùng đồng đội nổ súng, địch mới biết là bị đánh úp.

Lợi dụng lúc địch sơ hở, Thượng sỹ Phát được sự hỗ trợ của đồng đội nhanh chóng tiếp cận cột cờ. Bằng thao tác nhanh gọn, Thượng sỹ Phát một tay kéo lá cờ ngụy xuống, một tay nâng lá cờ giải phóng ngang đầu.

Thượng sỹ Phát nhớ lại: “Lúc đó, cờ của ngụy đã gần xuống tới mặt đất thì đột nhiên bánh xe bị kẹt lại. Tôi phải leo lên cột, lấy tay giật cờ địch xuống rồi gắn cờ của ta lên và cứ thế kéo. Vừa kéo tôi vừa khóc. Sau đó, tôi dùng loa đài, kêu gọi địch ra hàng. Quân ngụy lúc đó biết không thể kháng cự được nữa, nên chỉ 15-20 phút sau là trận chiến kết thúc”.

Chỉ trong ít phút sau khi lá cờ được cắm trên đảo Song Tử Tây, tất cả lính ngụy trên đảo đều tự nguyện ra hàng. Ánh bình minh đầu tiên của ngày 14/4/1975 dưới ánh mắt chàng trai Lê Xuân Phát sao mà đẹp đến thế. Ông bảo, bởi đó là ánh bình minh đầu tiên của một hòn đảo tự do.

 
Thượng sĩ Phát và đồng đội thăm ngôi chùa trên đảo Song Tử tây

Vẫn trọn niềm tin son sắt

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Thượng sĩ Lê Xuân Phát còn tiếp tục lên đường chiến đấu tại chiến trường Campuchia nhiều năm sau đó. Mãi đến năm 1988, vì điều kiện kinh tế khó khăn, ông quyết định rời binh nghiệp với cấp vụ Thượng úy, sang xuất khẩu lao động tại Liên Xô để gây dựng cơ nghiệp cho gia đình.

Trở về năm 1990, vui vì có được một số vốn tích lũy trong tay đủ để mua một mảnh đất nhỏ cho gia đình sinh sống, nhưng lúc về thấy đứa con đầu lòng đã 3 tuổi không nhận ra bố, ông đã ứa nước mắt và tự hứa sẽ bù đắp phần đời còn lại cho gia đình.

Từ đó đến giờ, ông và gia đình vẫn sinh sống tại Hải Phòng, quê vợ. Nhiều năm liền được bà con nhân dân lối phố yêu mến, tin tưởng đề bạt vào chức Phó bí thư Chi bộ… Ông bảo: Thời nào cũng thế, người chiến sĩ phải luôn biết nhiệm vụ của mình là phục vụ nhân dân, sống giữa lòng nhân dân.

37 năm sau ngày giải phóng, đảo Song Tử Tây đang thay da đổi thịt từng ngày. Ngày càng nhiều người dân trong đất liền muốn ra đây sinh sống và lập nghiệp. Những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đang dần mọc lên như minh chứng cho sự sinh sôi nảy nở, sự phồn thịnh của vùng đất này.

Chia tay đảo Song Tử Tây, ánh mắt người chiến sĩ cắm cờ năm xưa nhòe đi trong nước mắt. Ông bảo: “Tôi khóc vì vui sướng quá. Không ngờ ngần ấy năm mà đảo Song Tử Tây đã thay đổi như thế này. Tôi tin, không một kẻ thù nào có thể đánh thắng được niềm tin và ý chí vững vàng của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và của những người chiến sĩ đang canh giữ hòn đảo này”.

Nguồn VOV.VN