Giáo dục, đào tạo với phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta. Đảng ta coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khẳng định con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực, cả về khả năng lao động, năng lực sáng tạo và tính tích cực chính trị - xã hội, về đạo đức, tâm hồn và tình cảm là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đều nhằm quán triệt tư tưởng chăm lo bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt ra yêu cầu bức thiết đối với việc nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực. Trên thực tế, những giải pháp phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia có thể có những điểm khác nhau. Song, vấn đề cơ bản nhất mà hầu như tất cả các nước đều dành sự quan tâm đặc biệt trong chính sách phát triển nguồn nhân lực là phát triển giáo dục, đào tạo.

Nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Nói đến nguồn nhân lực, người ta thường quan tâm đồng thời đến cả hai yếu tố chất lượng và số lượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực. Những yếu tố nào tạo nên chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay ? Trên thực tế có nhiều cách tiếp cận và phân tích nội dung chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: con người nếu chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, mà thiếu tri thức, kiến thức khoa học, tức là có đức mà không có tài, thì cũng chẳng khác gì ông Bụt ngồi trên tòa sen, không làm điều gì xấu nhưng cũng chẳng làm được việc gì có ích cho đời. Tri thức, trí tuệ thực sự là yếu tố thiết yếu của mỗi con người, bởi vì, tất cả những gì thúc đẩy con người hành động đều phải thông qua trí tuệ của họ. Sự yếu kém về trí tuệ sẽ là lực cản dẫn đến sự thất bại trong hoạt động của con người.

Năng lực trí tuệ của con người hiện nay biểu hiện ở khả năng áp dụng những thành tựu khoa học để sáng chế ra những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, sự nhạy bén, thích nghi nhanh và làm chủ được những kỹ thuật - công nghệ hiện đại; khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động nghề nghiệp thể hiện qua trình độ tay nghề, mức độ thành thạo chuyên môn nghề nghiệp...

Trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, người lao động còn phải biết chủ động hội nhập quốc tế. Khác với toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là hành động chủ quan, có chủ đích của con người nhằm khai thác nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh cho đất nước mình. Hội nhập quốc tế cũng có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh với thế giới bên ngoài; hội nhập nhưng không hòa tan, vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình và nhất là bảo vệ được nền độc lập dân tộc. Trong điều kiện như vậy, người lao động, ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức dân tộc cao, còn cần có trình độ trí tuệ ngang tầm.

Một yếu tố không thể thiếu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao là sức khỏe. Sức khỏe ngày nay không chỉ được hiểu là tình trạng không có bệnh tật, mà còn là sự hoàn thiện về mặt thể chất và tinh thần. Mọi người lao động, dù lao động chân tay hay lao động trí óc đều cần có sức vóc thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để chuyển tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, biến tri thức thành sức mạnh vật chất. Hơn nữa cần có sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, niềm tin và ý chí, khả năng vận động của trí lực trong những điều kiện khác nhau hết sức khó khăn và khắc nghiệt.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn đụng chạm đến các vấn đề phức tạp trong quan hệ giữa con người với tự nhiên. Nó đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết và trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, cải thiện môi trường thiên nhiên vì sự phát triển bền vững, nói một cách ngắn gọn là phải có văn hóa sinh thái. Đây là vấn đề cấp bách, sống còn không chỉ đối với mỗi quốc gia - dân tộc mà còn đối với toàn bộ nền văn minh nhân loại. Vì vậy, bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, bao gồm mọi lứa tuổi. Song, đối với người lao động trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ môi trường phải được nâng lên thành văn hóa sinh thái. Khái niệm “văn hóa sinh thái” bao gồm cả quan điểm, nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống, cách ứng xử đúng đắn của người lao động đối với tự nhiên; cả việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hậu quả do sản xuất gây ra; cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên, thích nghi với tự nhiên và đấu tranh chống lại việc tàn phá tự nhiên.

Nguồn nhân lực chất lượng cao của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải là “những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về tính tích cực chính trị - xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng”. Việc xác lập các chuẩn mực, định hướng các giá trị xã hội để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hết sức cần thiết. Chìa khóa vạn năng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nâng cao giáo dục toàn diện, đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học; thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”, chấn hưng nền giáo dục quốc dân.

Chất lượng nguồn nhân lực được tạo ra bằng cách nào? Lý luận và thực tiễn đều khẳng định giáo dục, đào tạo là những nhân tố cơ bản nhất tạo nên chất lượng nguồn nhân lực. Như vậy, giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn bó chặt chẽ với nhau. Có thể nói giáo dục, đào tạo là một trong những biện pháp cơ bản nhất để tạo chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời chất lượng nguồn nhân lực cũng trở thành mục tiêu hàng đầu của giáo dục, đào tạo. Không thể có một nguồn nhân lực chất lượng tốt nếu không thông qua giáo dục, đào tạo và cũng không thể có sự nghiệp giáo dục, đào tạo mà lại không nhằm vào việc giáo dục lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng ứng dụng tri thức vào hoạt động thực tiễn... Đó chính là những nhân tố tạo nên chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đất nước ta đang đứng trước một nghịch cảnh: Kinh tế phát triển mạnh và cơ hội đang đến với đất nước rất lớn, nhưng giáo dục, đào tạo và vấn đề phát triển nguồn nhân lực nói chung sau thời kỳ đạt được một số thành tựu ban đầu theo xu hướng phát triển đại trà, hiện đang đi tới một “điểm nóng”, với nhiều hệ quả trầm trọng. Trong phát triển con người và nguồn nhân lực, nhiều yếu kém và tiêu cực tích tụ lâu năm đang dồn nén lại thành nguy cơ có thể làm cho đất nước bỏ lỡ cơ hội lớn. Bản thân ngành giáo dục, đào tạo và nhìn chung là toàn hệ thống phát triển nguồn nhân lực đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng: đào tạo nhiều mà dùng được ít, số người được đào tạo thất nghiệp cao, chi phí của toàn xã hội quá lớn so với những gì gặt hái được, có nhiều hậu quả lớn phải xử lý tiếp (ví dụ vấn đề đào tạo lại, việc bố trí người không đúng việc, không chuẩn bị kịp cho các bước phát triển tiếp theo của đất nước, phát sinh bộ máy cồng kềnh dẫn đến quan liêu, tham nhũng...). Đất nước đứng trước tình hình: không đẩy nhanh phát triển giáo dục, đào tạo thì thiếu nguồn nhân lực, đẩy nhanh theo hướng mà chúng ta đang làm có nguy cơ dẫn tới đổ vỡ lớn hơn, hướng đúng là gì chưa rõ, ý kiến đang còn rất khác nhau.

Kết quả điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2010 cho thấy cả nước có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm, 37% số còn lại có việc làm thì hầu hết phải đào tạo lại và nhiều người không làm đúng ngành nghề được đào tạo, trong khi đó nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có FDI và nhiều dự án kinh tế quan trọng khác rất thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Khoảng 2/3 số người có học vị tiến sĩ trong cả nước không làm khoa học mà đang làm công tác quản lý; số bài báo khoa học được công bố hằng năm chỉ bằng khoảng 1/4 của Thái Lan và bằng 0,00043% của thế giới, mặc dù số tiến sĩ của ta hằng năm nhận bằng thường nhiều hơn Thái Lan, có năm cao gấp đôi, v.v..

Nguồn nhân lực nước ta đứng trước tình hình: trẻ (tính theo tuổi đời trung bình - một ưu thế lớn), đông (một ưu thế khác, nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới), nhưng tỷ lệ tính trên triệu dân của số người có nghề và có trình độ chuyên môn rất thấp so với tất cả các nước trong ASEAN và so với Trung Quốc; số cán bộ kỹ trị và trình độ quản lý cao rất ít so với dân số cũng như so với quy mô nền kinh tế.

- Ở Việt Nam cứ 1 cán bộ tốt nghiệp đại học thì có 1,16 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,92 công nhân kỹ thuật, trong khi đó tỷ lệ này của thế giới là 4 và 10.

- Ở Việt Nam cứ 1 vạn dân có 181 sinh viên đại học, trong khi con số đó của thế giới là 100, của Trung Quốc là 140, mặc dù mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Trung Quốc khoảng gấp đôi của nước ta.

Tác động sâu xa và lâu dài về mặt văn hóa của những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục là nhiều giá trị cao quý bị mai một, với nhiều di chứng khó sửa; suy nghĩ lệch lạc về “cái học” trở thành hiện tượng xã hội phổ biến; tư tưởng bằng cấp, tình trạng chạy trường chạy điểm, bằng thật học giả, gian lận trong thi cử... tràn lan; bệnh hình thức và thành tích chủ nghĩa để lại nhiều hậu quả trầm trọng; giác ngộ ý thức làm chủ bản thân và vai trò chủ nhân của đất nước bị hạn chế; tình trạng dạy và học “nhồi sọ” cản trở đáng kể sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như của đất nước, chẳng những không khuyến khích tự do tư duy sáng tạo mà còn ảnh hưởng đến khả năng đề kháng sự nô dịch sùng ngoại; trong xã hội không hiếm tư tưởng “ăn đong” và tư tưởng làm thuê, không hiếm hiện tượng vùi dập và bỏ phí người tài... Tất cả những yếu kém này vừa đang cản trở khả năng phấn đấu của từng cá nhân, vừa tiếp tục khoét sâu các mặt yếu kém của xã hội, của đất nước.

Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên có thể như sau:

Một là, không quan tâm và không kế thừa, phát huy những thành tựu giáo dục của nước ta đã tích lũy được trước đổi mới cũng như những thành tựu của thế giới.

Hai là, tiêu cực và chủ nghĩa cơ hội đã làm sai lệch những ý tưởng, những mong muốn tốt đẹp dành cho phát triển con người và nguồn nhân lực. Sự ra đời của phạm trù “xã hội hóa” với nội dung bị bóp méo theo khuynh hướng đẩy việc phát triển con người và nguồn nhân lực ngày càng đi vào con đường thương mại hóa, nhiều công việc thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trở thành hàng hóa và dịch vụ kiếm lợi nhuận.

Ba là, không dự liệu được những khó khăn, mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là khả năng rất giới hạn của nguồn lực và một bên là đòi hỏi lớn của sự phát triển. Đặc biệt là yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ở một nước nghèo, đông dân trước đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bốn là, đội ngũ không ít những người làm công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục, đào tạo các cấp, những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo còn thiếu tri thức và tầm nhìn còn hạn chế, cộng với đạo đức nghề nghiệp xuống cấp cho nên việc lãnh đạo và quản lý lĩnh vực phát triển giáo dục và nguồn lực con người, nhìn chung còn dưới tầm so với đòi hỏi của nhiệm vụ.

Năm là, tác động của những yếu kém nằm trong những nguyên nhân tổng hợp của thực trạng kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước.

Việt Nam là một quốc gia rất chú ý đến các chính sách phát triển giáo dục và có nhiều thành công hơn so với các nước trong khu vực về việc thiết lập hệ thống giáo dục trên phạm vi cả nước. Quy mô giáo dục ngày càng mở rộng, hệ thống giáo dục ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, giáo dục Việt Nam đang gặp phải những vấn đề rất đáng lo ngại: Một là, quy mô mở rộng nhưng chất lượng lại không kiểm soát được; hai là, mất cân đối nghiêm trọng trong các ngành học ở bậc đại học, giữa sinh viên đại học, cao đẳng với học sinh học nghề; ba là, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã len lỏi vào các nhà trường, nhiều hiện tượng tiêu cực ở nhiều nơi, nhiều cấp học đã xảy ra.

Để giải quyết những vấn đề này, những năm tới chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục. Với quan điểm giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, những năm qua Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19-4-2011, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã chỉ rõ: giải pháp cho phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 là tăng đầu tư phát triển để hiện đại hóa có trọng tâm, trọng điểm cho hệ thống đào tạo nhân lực, xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đào tạo nhân lực theo mục tiêu trên. Đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực cũng là một trong những giải pháp nhằm phát triển nhân lực trong giai đoạn sắp tới.

Đối với việc huy động vốn từ người dân, Nhà nước có cơ chế, chính sách mạnh để huy động tối đa các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nguồn nhân lực bằng các hình thức: trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phát triển đào tạo nhân lực, góp vốn, mua công trái, hình thành các loại quỹ khuyến học của cộng đồng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế tăng đầu tư kinh phí để xây dựng, phát triển hệ thống đào tạo ngay tại doanh nghiệp, tiến tới doanh nghiệp phải trở thành lực lượng chủ đạo về đào tạo nghề.

Ngoài ra, với việc huy động các nguồn vốn nước ngoài, cần tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát triển nhân lực.

Căn cứ vào nhu cầu phát triển nhân lực nói chung, quy mô đào tạo nghề nói riêng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tổng vốn đầu tư cho phát triển nhân lực cả giai đoạn 2011 - 2020 ước tính khoảng 2.135 nghìn tỉ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 800 nghìn tỉ đồng, chiếm gần 13% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội và giai đoạn 2016 - 2020 là 1.335 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 12% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn đầu tư trực tiếp cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020 dự kiến khoảng 1.225 nghìn - 1.300 nghìn tỉ đồng; trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 475 nghìn - 500 nghìn tỉ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 750 nghìn - 800 nghìn tỉ đồng.

Tăng cường đầu tư đi đôi với phân bổ và sử dụng ngân sách đầu tư hợp lý. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... chú ý đầu tư cao cho giáo dục phổ thông, ngược lại Việt Nam lại đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đại học. Sự mất cân đối trong đầu tư còn thể hiện rõ cả ở các vùng, miền, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mức đầu tư còn rất thấp, dẫn đến tình trạng tái mù chữ và trẻ em tiểu học bỏ học tăng. Chủ trương phấn đấu nâng cao mức đầu tư cho giáo dục là rất đúng đắn, vì đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng, không có hình thức đầu tư nào mang lại nguồn lợi lớn như đầu tư cho giáo dục. Bởi lẽ, lực lượng lao động có chuyên môn cao sẽ tạo ra năng suất lao động cao hơn, chất lượng hàng hóa và hàm lượng chất xám trong hàng hóa tăng cao, tạo ra giá trị gia tăng xuất khẩu.

Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Tiềm năng của người Việt Nam là rất lớn, nhưng chất lượng giáo dục từ khi chuyển sang kinh tế thị trường có sự giảm sút. Đặc biệt là giáo dục đại học và cao đẳng đã không còn là động lực để tạo cơ hội có việc làm, không thích ứng với đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Tỷ lệ sinh viên Việt Nam tốt nghiệp không có việc làm khá cao, khoảng 63%. Trong số sinh viên tìm được việc làm sau khi ra trường thì cũng chỉ gần 1/3 là làm đúng ngành nghề được đào tạo. Chất lượng giáo dục thấp do đội ngũ giáo viên các cấp vừa thiếu, vừa yếu. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ giáo viên phổ thông khá chỉ đạt 15%, còn lại là trung bình và kém. Tỷ lệ giáo viên có học vị tiến sĩ ở các trường đại học và cao đẳng chỉ khoảng hơn 15%, thấp hơn các nước trong khu vực (tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 30%). Mặt khác, chất lượng giáo dục thấp còn do thiếu giáo trình, sách giáo khoa, thiếu trang thiết bị phục vụ học tập, thiếu các phòng thí nghiệm và các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết khác. Hiện nay, công nghệ giáo dục trên thế giới luôn phát triển và đổi mới. Nếu những điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc và thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập ở nước ta được tăng cường thì chắc chắn chất lượng giáo dục, đào tạo sẽ được nâng cao hơn nhiều. Vì vậy, quan tâm và có chính sách động viên thích đáng đối với đội ngũ giáo viên, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tăng cường trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật... là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ ba, điều chỉnh cơ cấu giáo dục đào tạo, từng bước xác lập sự cân đối giữa các ngành nghề đào tạo. Sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo, trước hết, thể hiện ở quy mô đào tạo đại học, cao đẳng thì mở rộng, trong khi đó đào tạo nghề lại thu hẹp. Hai là, có sự khác biệt lớn giữa số lượng sinh viên theo học các ngành nghề: văn hóa, nghệ thuật chiếm 1,3%, khoa học, công nghệ và kỹ thuật 15,2%, kinh tế và luật lên tới 42,78%. Trong khi cử nhân kinh tế, luật đang thừa thì một loạt trường đại học vẫn tiếp tục thành lập các khoa quản trị kinh doanh làm cho tình trạng mất cân đối càng nghiêm trọng hơn. Hiện tại, nước ta đang thiếu rất nhiều kỹ sư khoa học, kỹ thuật, cán bộ khoa học cơ bản - lực lượng trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu công nghệ. Điều đó gây khó khăn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tế của các nước ASEAN cho thấy, do thiếu đội ngũ kỹ sư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã rút vốn hoặc đình chỉ các dự án đầu tư. Điều chỉnh cơ cấu giáo dục, đào tạo là việc cần làm ngay. Nếu không, áp lực về việc làm của lao động qua đào tạo vốn đã gay gắt sẽ càng trở nên gay gắt hơn dẫn đến tình trạng đầu tư ngân sách cho giáo dục thì cứ tăng, nhưng chất lượng giáo dục lại kém hiệu quả.

Thứ tư, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài là một khâu quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta vẫn coi người tài là nguyên khí quốc gia, nhưng từ chính sách đến việc làm cụ thể trên thực tế vẫn còn một khoảng cách xa. Một số nhà khoa học sau khi có học vị cao đã tìm đến một vị trí khác trong xã hội, sau đó rời bỏ khoa học, rời bỏ chuyên môn được đào tạo. Cần có sự thay đổi trong cơ chế, chính sách để phát hiện người tài, đào tạo, bồi dưỡng họ, tạo điều kiện để họ cống hiến cho đất nước. Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc gần đây do biết sử dụng nhân tài nên đã có được vị thế của những nền kinh tế hùng mạnh trên thế giới. Giáo dục, đào tạo chính là một trong những cơ chế quan trọng góp phần chọn ra người tài, đào tạo bồi dưỡng họ từ đó mà sử dụng nhân tài phát triển đất nước.

Nguồn Tạp chí Cộng sản