Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Chương trình là căn cứ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết 13 đề ra. Các nhiệm vụ đặt tra trong chương trình phải được cân nhắc với nguồn lực có thể huy động được nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết 13. Đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết quá trình

Với hạ tầng giao thông

Cụ thể, đối với hạ tầng giao thông, tập trung nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A lên 4 làn xe, phấn đấu hoàn thành thành toàn tuyến Hà Nội - Cần Thơ vào năm 2016. Ưu tiên đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam; tuyến nối Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến các cảng cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng.

Bên cạnh đó, huy động vốn để đầu tư nối thông đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên. Lựa chọn đầu tư những đoạn có hạ tầng yếu kém trên tuyến đường ven biển gắn với đê biển. Nối thông tuyến đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam. Nâng cấp một số tuyến đường giao thông hành lang kinh tế Đông Tây...

Tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có; tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao, để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp;...

Cũng theo Nghị quyết, sẽ tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Tập trung nâng cấp 5 cảng hàng không: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Huy động các nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết ách tắc giao thông ở các đô thị lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu

Đối với hạ tầng đô thị, Chương trình hành động nêu rõ, tập trung triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị trung tâm vùng khác trong cả nước.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng và xây dựng mới các tuyến chính ra, vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm, nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, các tuyến tránh đô thị, các đường vành đai đô thị và các cầu lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, đảm bảo giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu (nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, dịch vụ khám chữa bệnh...) cho lao động các khu công nghiệp.

Triển khai Thẻ Công dân điện tử, Chính phủ điện tử

Đối với hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng đề án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo, phát triển sách giáo khoa điện tử, đào tạo trực tuyến... nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức dạy và học, đổi mới thi cử và đánh giá chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển nhanh ngành công nghiệp phần mềm. Xây dựng khu công nghệ thông tin trọng điểm quốc gia.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp. Triển khai thẻ Công dân điện tử; Chính phủ điện tử trên phạm vi cả nước.

Tập trung đầu tư xây dựng một số trường đại học chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, từng bước hình thành các trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trong vùng.

Tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; các đề án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho các trường đại học cấp vùng và cả nước.

Xây dựng đề án đầu tư khắc phục quá tải bệnh viện

Đối với hạ tầng y tế, xây dựng đề án đầu tư khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện đa khoa tuyến cuối gắn với việc hình thành mạng lưới khám, chữa bệnh theo các tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, bảo đảm tính liên tục về cấp độ chuyên môn; tập trung đầu tư phát triển thêm các cơ sở bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hoàn thành xây dựng cải tạo, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi, ...tại các tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn...

Nguồn www.chinhphu.vn