Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện Đề án
theo hướng cụ thể hơn nữa. Ảnh: VGP/Từ Lương
Các mục tiêu và giải pháp chính trong khuôn khổ Đề án
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Đề án đặt mục tiêu về học tập suốt đời cho 4 loại đối tượng, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; lao động nông thôn; lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh - dịch vụ; người ngoài độ tuổi lao động; những đối tượng yếm thế đang hưởng chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đặt mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, ngoại ngữ đạt trình độ bậc 2 và bậc 3.
Về mục tiêu cụ thể: Đảm bảo tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên đạt 96% vào năm 2015 và 98% vào năm 2020. Số người mới biết chữ tham gia chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ và các chuyên đề giáo dục đáp ứng yêu cầu người học đạt tỷ lệ 80% vào năm 2015 và 90% vào năm 2020.
Phấn đấu huy động được 95% số thanh niên trong độ tuổi 15-18 đã bỏ học được theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở. Đảm bảo đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp được tham gia các chương trình bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý chính trị, pháp luật.
Dự kiến, Đề án sẽ dành gần 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lao động nông thôn học tập suốt đời, dành 92 tỷ đồng để đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; dành 309 tỷ đồng hỗ trợ cho nhóm đối tượng những người hết tuổi lao động, người khuyết tật được học tập suốt đời; dành 519 tỷ đồng cho việc xóa mù chữ giai đoạn 2012-2020; dành 220 tỷ đồng cho phát triển đào tạo từ xa.
Đề án đề ra 7 nhóm giải pháp chính để thực hiện, gồm: Tăng cường thông tin tuyên truyền về vai trò lợi ích của học tập suốt đời; tổ chức các hình thức hoạt động học tập suốt đời trong các thiết chế ngoài nhà trường; củng cố phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh hình thức học từ xa; triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động học tập suốt đời; trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp đối với học tập suốt đời.
Hoàn thiện Đề án theo hướng cụ thể hơn
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện Đề án theo hướng cụ thể hơn nữa. Theo đó, Đề án cần xác định rõ: Học để làm người công dân tốt, học để có hiệu quả lao động ngày càng cao, học để cho mình và những người xung quanh được hạnh phúc và học để đóng góp cho cộng đồng ngày càng phát triển.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát và điều chỉnh một số điều kiện cụ thể mà Đề án đề cập chưa đầy đủ hoặc đã nêu nhưng khó có khả năng thực hiện trên thực tế. Đề án phải thể hiện gọn gàng và cần thể hiện rõ vai trò đặc thù của mình. Phó Thủ tướng lưu ý.
Về cơ chế tài chính, phải quan tâm tới đặc điểm địa bàn, trình độ người học theo hướng hỗ trợ và khuyến khích người học có trình độ học vấn thấp.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành gửi lại bản góp ý cho Đề án với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị được giao chủ trì xây dựng Đề án, trước ngày 15/7.
Nguồn www.chinhphu.vn