Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đối thoại
trực tuyến với nhân dân (Ảnh: TH)
Không cổ súy cho các hành vi vi phạm tôn chỉ mục đích báo chí
Tại buổi giao lưu, bên cạnh cạnh việc khẳng định những đóng góp quan trọng của báo chí trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, tình trạng có một số báo, đặc biệt là phụ trang có tin bài không đúng tôn chỉ mục đích báo chí. Đây là điểm trầm trọng nhất và kéo dài, chậm khắc phục thời gian qua.
Theo Bộ trưởng, trách nhiệm này thuộc về các nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và với tư cách là cơ quan chủ quản quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cũng phải rút kinh nghiệm việc này.
Bên cạnh đó, nhiều tờ báo của ngành này, địa phương này nhưng viết nhiều về địa phương khác, ngành khác mà chủ yếu khai thác mặt yếu kém, khuyết điểm làm méo mó sự phát triển của doanh nghiệp, ngành hoặc địa phương khác. “Đây là một hiện tượng không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích báo chí.”- Bộ trưởng nói .
Đồng thời, trên báo chí, đặc biệt là báo điện tử có nhiều trang tin điện tử khai thác các vụ án, đưa vụ án ly kỳ, tả chi tiết hành vi tội phạm, tạo hình ảnh xã hội u ám, không phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo chí, đạo đức báo chí. Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta không cổ súy cho những hành vi như vậy.”
Ngoài ra, cũng có các hiện tượng viết sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, doanh nghiệp, địa phương hay đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, vi phạm đạo đức người làm báo; lợi dụng danh nghĩa nhà báo, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp, gây bức xúc xã hội…Theo Bộ trưởng, đây là hiện tượng cá biệt nhưng vẫn phải lên án, không nên vì lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ dẫn tới hành vi sai phạm như trên. Hiện, các cơ quan quản lý báo chí đang chấn chỉnh hiện tượng này.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết thêm, thời gian qua đã có chế tài phạt, thậm chí có nhà báo bị thu thẻ; nặng hơn phải đứng trước vành móng ngựa, bị xử lý theo luật hình sự. Bộ trưởng cho rằng đây là số ít trong 17.000 nhà báo được cấp thẻ, nhưng con số đó cũng là đáng buồn..
Không có báo lá cải
Trước hiện tượng một số tờ báo tranh luận chỉ trích nhau là lá cải, làm hao mòn niềm tin của người đọc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định chúng ta không có báo lá cải. Luật Báo chí quy định rõ, báo chí là phương tiện thông tin, truyền thông hữu hiệu của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, có một số độc giả nói rằng phải “ lá cải” một chút để tăng doanh thu nhưng Bộ trưởng cho rằng đó là vi phạm đạo đức người làm báo, vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà làm mất đi chữ tín lâu dài, cần phải chấn chỉnh và phải được kiên quyết chấm dứt trong thời gian tới.
Bộ trưởng cho hay: Trong điều kiện khó khăn chung, nhiều cơ quan báo chí cũng có khó khăn, hưng các nhà báo, các cơ quan báo chí vẫn giữ vững và phát huy vai trò, tác dụng của mình. “Dĩ nhiên, có nơi có lúc chúng ta vẫn phải đấu tranh trong nội bộ để nền báo chí lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.”- Bộ trưởng nói.
Cần bổ sung chế tài để quản lý báo chí
Chia sẻ về những khó khăn trong quản lý nhà nước về báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Hiện nay báo chí có đầy đủ loại hình, báo in, báo hình, báo nói là những báo truyền thống đã có từ lâu. Cho nên công tác quản lý nhà nước, chế tài về báo in, báo nói, báo hình, chúng ta đã có và tương đối hoàn thiện trong công tác quản lý nhà nước các cấp từ Bộ TT-TT đến Sở TT-TT các địa phương.
Riêng báo điện tử phát triển rầm rộ từ cuối thập kỷ 90 đến nay khi chúng ta phát triển internet ở Việt Nam. Hiện, có tới 61 báo điện tử, 191 trang mạng xã hội và trên 1.000 trang thông tin điện tử. Đây là những loại hình tác nghiệp hiện nay trên mạng internet.
Theo Bộ trưởng, việc quản lý báo điện tử khó khăn hơn cả do là loại hình mới phát sinh, chế tài quản lý báo điện tử còn đang dần hoàn thiện.
Báo điện tử với sự phát triển của công nghệ thông tin đem lại cho độc giả cái nhìn mới về diện mạo của báo chí, tác nghiệp mới. Đây là 1 tiện ích trong hoạt động của báo điện tử, nhưng mặt trái của nó là quản lý khó khăn. Báo điện tử cũng có những sai sót, những sai sót này diễn ra hàng giờ, phút, giây.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng: Muốn quản lý tốt thì phải làm sao bổ sung chế tài để quản lý báo in, báo hình, báo nói đặc biệt là báo điện tử. Báo điện tử như nói ở trên là loại hình mới xuất hiện nên còn hạn chế về chế tài để thực hiện quản lý, giám sát, bảo đảm cho báo điện tử thực hiện đúng tôn chỉ mục đích.
Bên cạnh đó, làm sao để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người làm báo, nâng cao trách nhiệm cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, nhất là báo điện tử. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm, ý thức, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo để tạo sức đề kháng cho người làm báo, đặc biệt là phóng viên báo điện tử nhằm tránh sai sót, khuyết điểm.
Tăng cường thanh tra giám sát việc quản lý sim rác
Trước sự quan tâm của người dân về nạn sim rác tràn lan và các biện pháp làm sao để giảm được khối lượng thuê bao ảo, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng đây là vấn đề rất nóng hiện nay.
Bộ trưởng cho biết: Thời gian qua, chúng ta đã phát triển bùng nổ về điện thoại di dộng. Hiện Việt Nam có 88 triệu dân nhưng có tới 130 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 122 triệu là trả trước, 8 triệu là trả sau. Thực trạng này khá ngược so với thế giới, khi các nước quy định rất chặt chẽ, phức tạp về việc sở hữu sim trả trước.
Đó là chưa kể tại Việt Nam, nhiều khi có sự cạnh tranh không lành mạnh khi nhà mạng thi nhau hạ giá, khuyến mại… để thu hút thêm thuê bao trả trước.
Theo Bộ trưởng, thực tiễn đòi hỏi phải có chế tài quản lý, nhất là hiện tượng sim rác. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 04 quy định vấn đề này. Thông tư nêu rất rõ, từ 1/6, tất cả mọi người muốn sử dụng dịch vụ sim trả trước phải có chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu và trong thời hạn 72h mà không kích hoạt thì sim sẽ bị khóa, nghiêm cấm sử dụng chứng minh thư của người khác để mua sim hoặc dùng chứng minh thư của mình mua sim cho người khác…
Tuy nhiên, mặc dù chúng ta đã truyên truyền, người dân đã ủng hộ, nhưng vẫn còn không ít nhà mạng và đại lý vi phạm quy định của Thông tư 04 và từ 1/6, chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin về vấn đề này.
Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, các cấp, các ngành, nhân dân ủng hộ chủ trương này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các cấp, các ngành tăng cường thanh tra giám sát để Thông tư sớm đi vào cuộc sống…/.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam