Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp đoàn các nhà khoa học Mỹ chuyên khảo sát
nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Ảnh: VGP/Từ Lương
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, mức độ ô nhiễm dioxin do quân đội Mỹ sử dụng ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh là cao nhất thế giới. Theo thời gian và điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm ở Việt Nam, nồng độ dioxin đã giảm nhiều. Tuy vậy, ở các địa điểm là cơ sở kho tàng trước đây của quân đội Mỹ còn tồn lưu dioxin với nồng độ rất cao.
Chính phủ Mỹ đã dần nhận thấy trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam và đã có những động thái ban đầu tham gia khắc phục hậu quả nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các nạn nhân Việt Nam. Các công ty hóa chất Mỹ còn né tránh trách nhiệm chưa chịu đền bù tổn thất cho nạn nhân phơi nhiễm ở Việt Nam.
Các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam mong muốn các nhà khoa học Mỹ tiếp tục ủng hộ về vật chất và tinh thần cho cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân Việt Nam.
Thay mặt đoàn các nhà khoa học Mỹ, bà SuSan Schnall cho biết, Đoàn đến Việt Nam lần này nhằm gặp gỡ người dân Việt Nam để trực tiếp khảo sát thực tế hậu quả của chất độc da cam/dioxin, khảo sát dioxin tồn dư ở trong đất tại một số khu vực ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Bà SuSan Schnall chia sẻ, thời gian qua, Đoàn đã nhận được sự giúp đỡ cả về mặt vật chất và tinh thần từ Hiệp hội sức khỏe cộng đồng Mỹ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đoàn cũng đã phối hợp với các Hạ nghị sỹ Mỹ để dự thảo một đề nghị, theo đó yêu cầu Chính phủ Mỹ có trách nhiệm bồi thường khoảng 1 tỷ USD để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, khắc phục hậu quả môi trường. Đồng thời, tổ chức quan trọng nhất cần đứng ra nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ.
Bà cũng khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực đang làm để nâng cao nhận thức của cộng đồng, tiến hành vận động về mặt luật pháp trong Quốc hội Mỹ cho cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh hóa học tại miền Nam Việt Nam. Hơn 80 triệu lít hóa chất diệt cỏ được rải xuống Việt Nam trong đó có hơn 400 kg chất Dioxin. Theo ước tính của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện nay có 4-5 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, với 3-4 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Nguồn www.chinhphu.vn