Chi phí tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau

Thảo luận ở Hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trong điều kiện Việt Nam còn nghèo, chi phí tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ trông chờ vào Nhà nước.

Trước băn khoăn của đại biểu về việc tiền đâu mà tái cấu trúc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận “bất kỳ cuộc tái cấu trúc nào cũng phải có chi phí”. Ba nguồn lực được ngành ngân hàng kỳ vọng, đó là kêu gọi mọi thành phần kinh tế trong nước tham gia, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài và cuối cùng mới là can thiệp của Nhà nước.

 

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. Ảnh:sggp.org.vn

Theo Thống đốc, thời gian qua có nhiều đơn vị trong nước sẵn sàng tham gia tái cấu trúc hệ thống tín dụng. Họ chấp nhận tổn thất trước mắt và có kế hoạch vực dậy tổ chức tín dụng để thu lợi nhuận trong tương lai. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước để tham gia vào quá trình sắp xếp lại hệ thống ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương ưu tiên nội lực, khi nào các đối tác nội không thể tham gia mới mời gọi nước ngoài.

Với phương án Nhà nước can thiệp, Thống đốc Bình cho biết có thể có 2 cách làm, một là Ngân hàng Nhà nước mua cổ phần để tham gia khôi phục các ngân hàng yếu kém sau đó giao, bán để thu hồi vốn; hai là lập công ty mua bán nợ.

Giải trình về nội dung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, mục tiêu Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra là ngay trong tháng 6 này sẽ hoàn tất phương án xử lý 9 ngân hàng yếu kém.

Theo Thống đốc Bình, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được Thường trực Chính phủ thông qua kế hoạch xử lý 2 trong số 9 ngân hàng yếu kém. Và dự kiến mỗi tuần cơ quan này sẽ trình Chính phủ 2 đề án, qua đó hoàn tất phương án xử lý 7 ngân hàng còn lại ngay trong tháng 6 này.

Về phương án xử lý các ngân hàng yếu kém, theo Thống đốc, được tiến hành ở hai hướng. Trên cơ sở kiểm toán đặc biệt và kiểm toán độc lập, Ngân hàng Nhà nước sẽ để các ngân hàng chủ động tự lên phương án tự tái cơ cấu; trường hợp không tự xử lý được, cơ quan này sẽ vào cuộc bắt buộc cho sáp nhập.

Thống đốc cho biết, hiện các ngân hàng nói trên cơ bản đã có kế hoạch chủ động kêu gọi nhà đầu tư rót vốn, hoặc tìm kiếm các đối tác hợp nhất, sáp nhập. Một số trường hợp đang trong quá trình chủ động và tự nguyện đàm phán để có thể đi đến kết quả cuối cùng.

Hướng về nông nghiệp nông thôn là một nội dung quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Vì vậy, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) được đưa ra khỏi danh sách buộc phải cổ phần hóa, mà chỉ tái cơ cấu để trở thành trụ cột về tài chính cho nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra quy định dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank không được thấp hơn 80% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng này. Tỷ lệ bắt buộc với các ngân hàng thương mại vốn nhà nước khác là 20%, nếu không có khả năng cho vay nông nghiệp nông thôn, các ngân hàng phải chuyển số vốn tương ứng sang để nhờ Agribank thực hiện giúp.

Tại phiên thảo luận chiều 8/6, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng cho rằng, tái cấu trúc dứt khoát phải có nguồn lực rất lớn.

Theo Bộ trưởng Huệ, kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy để giải quyết 10% nợ xấu của ngân hàng thì mất khoảng 10% GDP. Cuối những năm 1980, Nhật Bản sa vào tình trạng nợ xấu như Việt Nam bây giờ. Chính phủ định dùng 10% GDP để tái cơ cấu ngân hàng, nhưng bị phản ứng dữ dội từ dân chúng nên dừng lại, làm không hết. Kết quả kinh tế Nhật Bản phải trả giá với hàng chục năm với kinh tế trì trệ vừa qua. Do đó, Việt Nam đã làm thì phải quyết liệt, làm đến nơi đến chốn.

Với tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ trưởng Huệ cho hay, bên cạnh sử dụng quỹ sắp xếp tổ chức DNNN, sẽ huy động sự tham gia của tư nhân, các cổ đông chiến lược nước ngoài và nguồn ODA. Hiện nay ADB cam kết cho vay 600 triệu USD với lãi suất rẻ, thời gian ân hạn dài, ban đầu là khoản vay dành cho Tập đoàn Sông Đà trong 30 năm, lãi suất 0,5%/năm để chúng ta tái cơ cấu.

Trước đó, cũng trong chiều nay, các vấn đề như mô hình tăng trưởng; các nhóm giải pháp như huy động vốn, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính; về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, về phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được các đại biểu thảo luận sôi nổi ở hội trường./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam