Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. Ảnh: sggp.org.vn
Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh (gọi tắt là Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế) gồm 05 phần: Sự cần thiết của tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xác định mục tiêu và nguyên tắc tái cơ cấu kinh tế; nội dung, định hướng cơ bản tái cơ cấu kinh tế; hệ thống các nhóm giải pháp để tái cơ cấu kinh tế; tổ chức thực hiện.
Đề án kiến nghị 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế. Về việc tổ chức triển khai thực hiện, theo Đề án, trước mắt, tái cơ cấu tập trung vào các lĩnh vực, bao gồm tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu đầu tư công…
Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến các đại biểu đều khẳng định việc cần thiết thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, song cũng cho rằng, Đề án còn nhiều thiếu sót, chưa có lộ trình thực hiện rõ ràng, chưa thể hiện nguồn tài chính, nguồn nhân lực, chi phí về kinh tế, môi trường, xã hội để thực hiện; chưa thể hiện được những đột phá lớn; chưa được thảo luận một cách rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương đến các doanh nghiệp và người dân để tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Đề án mới có định tính mà chưa định lượng giữa quốc doanh và dân doanh, chưa rõ mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, không có phần đánh giá tác động đối với nền kinh tế và đời sống của người dân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là công trình nghiên cứu công phu, quán triệt được tinh thần, chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng, nêu được thực trạng và những vấn đề phải giải quyết. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện Đề án, đại biểu đề nghị cần phải làm rõ toàn bộ nguồn lực quốc gia sẽ được phân bổ như thế nào? Cần xác định những công việc cụ thể cần dùng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của xã hội để tiến hành. Theo đại biểu, cần xác định vai trò của Nhà nước trong tổng thể quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
“Tái cơ cấu không phải chỉ là việc của các đơn vị nhà nước, quan trọng là chúng ta phải huy động được nguồn lực toàn xã hội vào quá trình tái cơ cấu này”- đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh.
Góp ý hoàn thiện Đề án, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng: Trong 6 mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, chưa thấy đề cập đến vấn đề con người. Tất cả các vấn đề tăng trưởng nhằm làm cho kinh tế phát triển hơn và sự tăng trưởng cuối cùng nhằm vào mục tiêu chủ thể là con người. Vì vậy, đề nghị bổ sung mục tiêu hướng đến phục vụ con người. Cũng theo đại biểu Tám, Đề án cũng chưa đặt vấn đề đúng mức cho nông nghiệp, đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề này.
Đại biểu Hoàng Đăng Quang (đoàn Quảng Bình) cho rằng: Đề án đã xác định được những vấn đề có tính chất tổng thể, những định hướng lớn làm cơ sở cho việc xây dựng những đề án thành phần. Tuy nhiên, định hướng đó cần có lộ trình, bước đi và phải thực hiện được những điểm đột phá… Vì vậy, để hoàn thiện Đề án, phải lựa chọn đúng điểm đột phá trong Đề án, tái cơ cấu phải hướng tới quá trình chuyển đổi mang tính đột phá, phân bổ nguồn lực cho tăng trưởng với mục tiêu nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Bên cạnh hàng chục ý kiến về nội dung Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thông tin về chủ trương tạm thời không thông qua Đề án tại Kỳ họp này đã được một số đại biểu Quốc hội chia sẻ.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, Đề án còn rất hạn chế ở một số điểm. Đó là việc phân tích diễn biến tình hình thế giới, những tồn tại ảnh hưởng cụ thể như khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác kinh tế biển, xử lý các tồn tại trong 5 lĩnh vực cơ cấu, vùng miền, giải quyết vấn đề khoa học môi trường, điều kiện tài chính và mô hình tổ chức. Toàn bộ các nội dung lớn này chưa nêu ra được.
Với các phân tích trên, ông Cao Sĩ Kiêm nói: Tôi rất đồng tình với chủ trương của Thường vụ Quốc hội là chưa thông qua Đề án này và ra Nghị quyết ở kỳ họp này. Thay vào đó, sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhiều bên, cần lấy thêm ý kiến rồi mới thông qua.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hổ (đoàn Phú Yên) cũng cho rằng, Đề án tổng thể còn chung chung, mục tiêu còn khái quát. Phân kỳ thực hiện và nguồn lực thực hiện chưa rõ. Đến năm 2020, chưa thấy Đề án tái cơ cấu sẽ tác động ra sao tới mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa. Vì vậy, đại biểu này cũng đồng tình là chưa thông qua Đề án tái cơ cấu kinh tế tổng thể tại kỳ họp này.
Một trong những nội dung khác được các đại biểu sôi nổi cho ý kiến, đó là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) nói: Phải xác định lộ trình thoái vốn cụ thể của các tập đoàn. Đề nghị giao bộ, ngành giải trình làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong kỳ họp này, sai phạm sử dụng vốn như: PVN, Vinalines; phải báo cáo quá trình thoái vốn của 21 tập đoàn, tổng công ty cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hòa) nêu quan điểm: Cách phân 4 nhóm doanh nghiệp hiện vẫn còn bóng dáng bao cấp. Đại biểu phân vân khi đọc Đề án và cho rằng, đã là kinh tế thị trường thì yếu tố thị trường của DNNN phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Đó là một thiếu sót nên các DNNN ỷ lại. Do đó, nếu không phát huy tốt vai trò của chủ sở hữu nhà nước tại đây thì vốn nhà nước sẽ mất dần.
Ngoài các vấn đề nêu trên là các câu hỏi về bảo toàn, sử dụng vốn trong DNNN đang như thế nào? Khi tái cơ cấu thì làm sao để vốn Nhà nước phát huy hiệu quả? Vấn đề vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế quốc dân ... cũng được nhiều đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam