Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 13 của Hội nghị T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, đến nay cả nước có hơn 9.200 HTX nông nghiệp, giữ vị trí quan trọng trong sản xuất và nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên, còn nhiều HTX đang hoạt động chỉ mang tính hình thức, hiệu quả sản xuất, kinh doanh kém, và vai trò "bà đỡ" cho kinh tế hộ còn mờ nhạt. Chính vì vậy, các HTX nông nghiệp đang rất cần những giải pháp mạnh, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế này.

Nông dân hưởng lợi từ các dịch vụ của HTX

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thật không dễ dàng khi HTX nông nghiệp Thượng Nông (Phú Thọ) là một trong số ít các HTX nông nghiệp được nhận Cúp vàng hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng do Liên minh HTX Việt Nam trao tặng vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX từ tháng 9-1998, với quy mô toàn xã, đến nay HTX nông nghiệp Thượng Nông có 945 xã viên tham gia, áp dụng mô hình vừa quản lý vừa điều hành. Hiện tại, hoạt động của HTX tập trung vào các khâu chính: dịch vụ thủy lợi, cung ứng vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, bảo vệ cây trồng, bao tiêu sản phẩm, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và sửa chữa xây dựng giao thông nội đồng. Năm 2011, HTX đạt doanh thu 4,5 tỷ đồng, trong đó xã viên được lợi khoảng một tỷ đồng do bán hàng thông qua HTX. Chủ nhiệm HTX Lê Ðình Quang phấn khởi chia sẻ: "Ðảng ủy, UBND xã tín nhiệm giao HTX là cơ quan thường trực chỉ đạo sản xuất, xây dựng kế hoạch và điều hành sản xuất nông nghiệp. Hiện thu nhập bình quân của cán bộ HTX là 1,6 triệu đồng/tháng, xã viên một triệu đồng/tháng, còn cán bộ quản lý được đóng các loại bảo hiểm xã hội theo quy định". Nói chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Lập (khu IV, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông) phấn khởi cho biết: "Ngoài làm việc trong HTX, gia đình tôi còn mở thêm dịch vụ xay xát, phục vụ bà con, ấy vậy mà mỗi tháng gia đình cũng thu được đến cả chục triệu đồng". Phải khẳng định, HTX đã thật sự giúp bà con xã viên rất nhiều, từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Ðược vận hành gần giống như một dây chuyền khép kín, nhưng HTX chỉ tập trung vào một số khâu quan trọng như: giống cây, phân bón, bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch. Và một điều không thể không nhắc tới đó là đội ngũ cán bộ HTX trong việc giúp người dân tiếp cận với tiến bộ KHKT để sản xuất có hiệu quả cả về chất lẫn lượng.

Ở những hợp tác xã có quy mô nhỏ hơn của TP Hà Nội, tuy không có bề dày kinh nghiệm như HTX nông nghiệp Thượng Nông, nhưng đã liên kết với nhau thành lập liên hiệp HTX nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của bà con xã viên. Tại huyện Ba Vì, bốn HTX chăn nuôi và thủy sản: Tân Ðô, Toàn Thắng, Hưng Thịnh, Ðồng Tâm của xã Cổ Ðô đã hợp lại thành Liên hiệp HTX chăn nuôi và thủy sản Cổ Ðô nhằm thu hút các nguồn lực phát triển. Nói về vai trò của liên hiệp HTX, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thông hóm hỉnh so sánh với giai đoạn cách đây vài ba năm: "Từ khi thành lập liên hiệp HTX, các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản mới "chảy" về xã, làm tiền đề xây dựng vùng trung tâm thủy sản lớn nhất thành phố, với 400 ha trên đồng đất Ba Vì. Ngay sau khi thành lập, liên hiệp cũng được đầu tư ngay một hệ thống thiết bị cấp đông bảo quản thủy sản tươi sống trị giá một tỷ đồng". Ðứng ra liên kết, mời gọi các dự án đào tạo nghề, bảo lãnh cho các xã viên của các HTX thành viên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ HTX và Quỹ Khuyến nông thành phố để sản xuất, liên hiệp đã thật sự giải quyết hai vấn đề căn bản: kiến thức chuyên môn và đồng vốn cho phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, liên hiệp cũng ký hợp đồng với các hãng thức ăn chăn nuôi lớn để cung ứng thức ăn cho các hộ, trang trại. Theo tính toán của bà con, cứ một bao cám, xã viên được mua rẻ 20 nghìn đồng, mà gom lại, sau một chu kỳ chăn nuôi, các hộ gia đình hưởng vài chục triệu đồng từ chênh lệch giá. Nói về hướng phát triển của HTX, chủ nhiệm Nguyễn Văn Thông xác định, lúc đầu liên hiệp chỉ tập trung giải quyết phần kiến thức, đào tạo nghề chuyên môn, cung ứng vật tư, sau đó mới hướng tới bao tiêu sản phẩm. Làm được như vậy, các HTX trong liên hiệp mới hy vọng kinh doanh có lãi, xã viên mới có lợi nhuậnể.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Theo báo cáo từ các địa phương, đến hết năm 2011, cả nước có khoảng 370 nghìn tổ hợp tác, 19.500 HTX và 56 liên hiệp HTX. Trong đó, có 9.246 HTX nông nghiệp, hoạt động theo ba mô hình chủ yếu: HTX dịch vụ nông nghiệp; HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp; HTX chuyên ngành. Các HTX phát triển đa dạng, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nghề muối. Tuy nhiên, nếu xét mức độ hiệu quả trên cả ba tiêu chí: HTX phải có tác động đến kinh tế hộ; phải được người dân mong muốn tham gia; phải có lãi, có tích lũy và phân bổ lợi nhuận hay phải làm được một số khâu cơ bản giúp kinh tế hộ phát triển, thì trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% tổng số HTX hoạt động có hiệu quả - Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định. Hạn chế chính của các HTX trong lĩnh vực này, theo Phó Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Diệp, là do thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất lại nghèo nàn, bộ máy quản lý còn yếu, số lượng cán bộ tâm huyết, có trình độ chuyên môn, kiến thức kinh doanh còn mỏng. Không ít HTX chưa thích ứng với cơ chế thị trường, nên hoạt động chỉ mang tính hình thức, dịch vụ hỗ trợ cho xã viên không hiệu quả. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Ban Chính sách và Phát triển HTX (Liên Minh HTX Việt Nam) Nguyễn Minh Tuấn cho biết: "Sau khi có Nghị quyết số 13, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2005/NÐ-CP quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, về đất đai, tín dụng, ứng dụng công nghệ, cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, do bất cập trong quá trình thực hiện, nhiều HTX chuyển đổi vẫn không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, thu phí dịch vụ chỉ gắn vào hộ xã viên, kinh doanh không có lãi; không có tích lũy, khấu hao tài sản cố định không đủ bù chi phí nên hoạt động của các HTX này rất khó khăn. Như trường hợp HTX nông nghiệp Lạc Trung (xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Liễu phân tích: "Do không vay được vốn ngân hàng trong khi phí thu dịch vụ nông nghiệp của HTX (5,4 kg thóc/sào/năm) không đủ bù chi nên các phương án sản xuất kinh doanh của chúng tôi đang gặp trở ngại, khó khả thi. Hiện HTX vẫn chưa có trụ sở làm việc, nên phải nhờ nhà văn hóa thôn. Bởi thế, chúng tôi đang rất cần một diện tích đất để hoạt động như: làm trụ sở, nhà xưởng, làm kho vật tư, kho giống cung ứng cho bà con...". Nhìn chung trên cả nước, nhiều HTX cũng đang trong tình trạng như vậy, chưa có giải pháp huy động vốn để đầu tư phát triển, chưa liên kết, hợp tác để tìm đầu ra cho nông sản hàng hóa nên khả năng cạnh tranh còn kém, chưa theo kịp với cơ chế thị trường.

Cú hích cho HTX nông nghiệp phát triển

Có thể khẳng định, HTX nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế hộ xã viên, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay mới chủ yếu là dịch vụ sản xuất cho kinh tế hộ, hoạt động còn đơn điệu, mang tính nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, nên cần được củng cố và phát triển. Bàn về vấn đề này, Phó Ban Chính sách và Phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam) Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, thời gian tới cần phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, đánh giá lại tác động của nó đối với khu vực kinh tế tập thể, từ đó có chính sách phù hợp tạo cơ hội cho HTX hoạt động; đặc biệt, cần tạo "cú hích" đối với HTX như tiếp cận vốn tín dụng để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng các hoạt động kinh doanh, có tích luỹ thì mới phát triển được. Còn theo quan điểm của Cục trưởng Tăng Minh Lộc lại cho rằng, HTX phải là cầu nối đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, và chỉ nơi nào có nhu cầu sản xuất thì nhu cầu cần HTX mới có thật, mới cao. Và để phát triển một cách bền vững, cần xem xét việc sửa đổi một số nội dung trong Luật HTX hiện hành, từ đó xây dựng mô hình HTX nông nghiệp, đưa ra các chính sách hỗ trợ về đất đai, đào tạo và tín dụng.

Trên thực tế, tuy HTX đầu tiên ở nước ta đã được thành lập từ lâu, nhưng đến nay nhận thức của một số người về bản chất của HTX vẫn chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ. Vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức đúng bản chất của nó, phải định hình được khuôn khổ pháp luật để hỗ trợ nó phát triển bền vững và công tác quản lý nhà nước về HTX có hiệu quả là việc làm cấp bách hiện nay.

HTX nông nghiệp là tổ chức kinh tế không thể thiếu ở nông thôn để liên kết kinh tế, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản; đồng thời là cơ sở để liên kết những người nông dân đi lên sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, tạo ra sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và chuỗi giá trị gia tăng ngày càng cao... Do vậy, khu vực kinh tế này đang rất cần những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, hỗ trợ cụ thể cho các HTX nông nghiệp phát triển một cách bền vững. Liên minh HTX Việt Nam cũng như các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội ở địa phương cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về bản chất, nguyên tắc và các giá trị tốt đẹp của HTX để cán bộ và người dân hiểu biết và có cách nhìn nhận đúng đắn hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng cần phải tăng cường nguồn lực và các công cụ hỗ trợ của mình nhằm giúp các HTX nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn, chính sách về đất đai, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và thông tin về thị trường trong và ngoài nước... Ðối với bản thân các HTX cũng phải nỗ lực không ngừng, nâng cao hiệu quả và năng lực hoạt động; tổ chức và xây dựng theo đúng bản chất nguyên tắc và Luật HTX; tự khẳng định vai trò, uy tín và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân.

Nguồn Báo Nhân Dân Online