Ðể bảo tàng thật sự là địa chỉ văn hóa

Theo Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành thì "Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân".

Từ khái niệm này có thể thấy, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ và bảo quản, mà còn có ý nghĩa rất thiết thực trong cuộc sống của con người đương đại. Vì bảo tàng có thể giúp nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề, sự kiện - hiện tượng tự nhiên và xã hội, nghiên cứu lịch sử, đồng thời cũng là nơi phục vụ nhu cầu tham quan và khám phá, tìm hiểu, nâng cao tri thức, góp phần giáo dục con người.

Với ý nghĩa là địa chỉ văn hóa, nhiều bảo tàng nổi tiếng ở một số nước đã ghi danh vào "bộ nhớ" của nhân loại, trở thành niềm tự hào của mỗi nước, và là "điểm đến" của du khách. Ở Việt Nam, dù phải trải qua rất nhiều năm chiến tranh và trong điều kiện đất nước còn nghèo, nhưng Ðảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư, tổ chức việc xây dựng hệ thống bảo tàng từ trung ương đến địa phương, bảo tàng của nhiều lĩnh vực tự nhiên - xã hội và ngành; ở quy mô nhỏ hơn, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể còn xây dựng phòng truyền thống... Vì thế, đến nay, một số bảo tàng ở Việt Nam đã xác lập được uy tín, hấp dẫn giới nghiên cứu, công chúng ở trong và ngoài nước, như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Dân tộc học... ở Hà Nội; Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh,... ở TP Hồ Chí Minh; cùng một số bảo tàng khác như: Bảo tàng Cổ vật cung đình ở Huế, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm ở Ðà Nẵng, Bảo tàng Hải dương học ở Nha Trang... Và đặc biệt, với sự ra đời của bảo tàng tư nhân, dù quy mô còn nhỏ cũng đã góp phần làm phong phú các địa chỉ văn hóa của xã hội. Tuy nhiên, hiện có một thực tế, nhất là ở một số địa phương, một số bảo tàng đang rơi vào tình trạng tồn tại lắt lay, hiện vật nghèo nàn, trưng bày thiếu hấp dẫn, thưa vắng khách tham quan, thậm chí nếu không mở cửa chiếu lệ "xuân thu nhị kỳ" thì cũng là nơi bán đồ lưu niệm, giải khát, hoặc kinh doanh. Tình trạng này không những gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng tới ý nghĩa xã hội - văn hóa của bảo tàng.

NHƯ đã nói, bảo tàng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Vì thế, việc xây dựng, tạo điều kiện cho sự tồn tại và phát triển, để hệ thống bảo tàng phát huy chức năng của nó là việc làm cần thiết và thường xuyên. Sự phong phú về nội dung, sự sinh động trong hình thức trưng bày, trình độ và nhiệt tình của hướng dẫn viên... là các yếu tố tạo nên tính hấp dẫn của bảo tàng. Bên cạnh đó là cố gắng sưu tầm hiện vật và kinh phí để sưu tầm, trao đổi hiện vật, cũng là các vấn đề cần giải quyết. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, với trường hợp cụ thể, cần xã hội hóa một phần kinh phí, kết hợp với sự động viên tinh thần vì cộng đồng để mọi người đóng góp công sức, hiện vật cho các bảo tàng. Bởi, bất luận thế nào thì bảo tàng chính là một trong các phương tiện để lưu truyền, quảng bá những sản phẩm độc đáo, mang ý nghĩa văn hóa.

Nguồn Báo Nhân Dân