Hồ Chí Minh, một nhà văn hóa trên đất Nga

Nhân dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, Ðài Truyền hình Việt Nam phát sóng tám tập của bộ phim tài liệu "Hồ Chí Minh với nước Nga" (Phim phát sóng từ ngày 5 đến 23-5 vào lúc 21 giờ 30 phút thứ tư và thứ sáu, thứ bảy trên kênh VTV1). Ðạo diễn, NSƯT Trần Cẩm đã cung cấp cho người xem một góc nhìn mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà văn hóa trên đất Nga, qua những tư liệu quý và những nhận định sâu sắc của những người bạn Nga có thẩm quyền và uy tín.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cho sự tổng hòa thành công của nhiều nền văn hóa tiên tiến trên thế giới. Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Bác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật. Ở nước Nga vào những năm 20 của thế kỷ trước, tiếp xúc với nền văn hóa Nga, Bác Hồ đã tiếp biến, làm giàu thêm tâm hồn mình, trí tuệ mình và tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của một nhà hoạt động cách mạng độc đáo, nhân văn. Ðã 90 năm trôi qua, nhiều tư liệu trong bộ phim đã minh chứng cho chúng ta thấy rõ Xanh Pê-téc-bua là nơi đầu tiên Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đến với nước Nga ngày 30-6-1923. Trường đại học Tổng hợp Xanh Pê-téc-bua đã thành lập Viện Hồ Chí Minh (ngày 19-5-2000) nằm trong khoa Phương Ðông học. Ðây là viện nghiên cứu về Hồ Chí Minh duy nhất ở nước ngoài, minh chứng cho sự trường tồn của tư tưởng và nhân cách của một lãnh tụ giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa mang tầm vóc quốc tế.

Người dân hai nước Việt Nam và Nga bên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Mát-xcơ-va.

Bộ phim đã thể hiện rõ niềm tự hào của các sinh viên Việt Nam cũng như niềm vui của các sinh viên quốc tế đang học tập tại đây và như Giáo sư, Viện sĩ, Hiệu trưởng Trường đại học Xanh Pê-téc-bua khẳng định "việc thành lập Viện Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu phát triển ngành Việt Nam học, nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam và cuộc đời của các nhà hoạt động xã hội Việt Nam, tăng cường hợp tác, trao đổi quan hệ văn hóa giữa hai nước".

Trong 30 năm đi tìm đường cứu nước, bôn ba qua nhiều nước, đã có tới sáu năm Bác học tập và tham gia hoạt động cách mạng ở Nga trong các Ủy ban của Quốc tế cộng sản (từ 1923 đến 1924, năm 1927 và từ năm 1934 đến 1938). Các học giả, nhà khoa học xã hội Nga đã kể về những kỷ niệm và cả các suy nghĩ, nhận định của họ khi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Liên Xô (trước đây) nghe chân thật mà sâu sắc. Giáo sư Ti-ta-nen-kô, Giám đốc Viện Viễn Ðông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng: "Việc đồng chí Hồ Chí Minh sang Liên Xô và tham gia tích cực vào hoạt động của Tổ chức Cộng sản Quốc tế với tư cách là đại diện của tầng lớp xã hội đông đảo nhất, những người nông dân bị áp bức nhiều nhất ở các nước thuộc địa, chính là một bước mở ra con đường tiến tới nắm vững sách lược, chiến lược của cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, sử dụng chính khối liên minh các lực lượng xã hội là những người ủng hộ cho phong trào giải phóng dân tộc".

Kể từ năm 1957 đến 1962, nhiều lần Bác Hồ sang thăm Nga, lúc công khai, lúc bí mật. Những thước phim tài liệu giúp chúng ta thấy rõ tình cảm kính trọng, mến yêu của lãnh đạo và quần chúng nhân dân Nga đối với Bác. Từ thành phố, nơi công xưởng, nhà máy, hay ở những làng mạc vùng quê xa xôi nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, hội họp, ở đâu cũng òa lên niềm vui chào đón, rạng rỡ khuôn mặt, nụ cười, những bàn tay nắm chặt của người dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhiều chuyên gia kỹ thuật, sĩ quan quân đội Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam. Tuy ở cương vị khác nhau nhưng những lần có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đều khắc sâu trong tâm trí mình, suốt cả cuộc đời, về kỷ niệm và những ấn tượng sâu sắc. Tập hai của bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh với nước Nga đã ghi lại những câu chuyện sinh động, tràn đầy kỷ niệm về Bác của những người bạn Nga, từ một lão thủy thủ ở vùng Viễn Ðông hay của một phóng viên đã ba lần được gặp Bác. Ông Ép-ghê-nhi Gla-du-nốp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt kể chuyện Bác Hồ đã dành những tình cảm yêu mến các cháu thiếu niên, nhi đồng và niềm tin yêu người dân Nga đôn hậu.

Ðạo diễn Trần Cẩm cho biết: - "Thời gian qua đi, vật đổi sao dời, mọi nơi Bác đến trên đất Nga nay đã khác xưa. Trách nhiệm của những người làm phim chúng tôi là trung thành với lịch sử, giúp người xem hiểu phần nào những nơi Bác đến. Nhưng, còn một nhiệm vụ lớn hơn mà chúng tôi thấy rõ, cần phản ánh, đó là sự lan tỏa nhân cách một lãnh tụ có tầm vóc văn hóa quốc tế, mà xuyên suốt chiều dài lịch sử, đến nay vẫn đầy sức thuyết phục. Ðó là điều chúng tôi đã cảm nhận và ghi lại được. Giám đốc Ðại học Tổng hợp Xã hội Nga Du-cốp nói với chúng tôi rất chân thành: Khi nói về Hồ Chí Minh thì một mặt chúng ta đang nói về con người tài năng, có học thức, con người thiên tài. Ðó là nhìn từ khía cạnh kiến thức. Nhưng vượt lên tất cả, Hồ Chí Minh là con người mong muốn bằng niềm tin và kiến thức của mình phục vụ cho lợi ích dân tộc và mọi người dân".

Với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ươm mầm non Việt Nam trên đất Nga Xô-viết. Câu chuyện không mới, nhưng bộ phim tài liệu này đã khai thác nhiều chi tiết sinh động, rất đắt, từ chuyện kể của các nhà giáo Nga, những người trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức và góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ học sinh, sinh viên đầu tiên của Việt Nam ở Nga khi cho rằng cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương học tập cho mọi người noi theo.

Bộ phim Hồ Chí Minh với nước Nga cũng mang đến cho khán giả truyền hình một thông tin mới. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4, ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, ở nước Nga, các cựu chiến binh Nga, những người đã chung sức, chung lòng cùng bộ đội phòng không Việt Nam chiến đấu bảo vệ bầu trời miền bắc trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đều tổ chức gặp gỡ. Trong phim, các cựu chiến binh tự hào kể về hình ảnh, cử chỉ và lời nói của Bác Hồ khi đến thăm trận địa pháo, tên lửa. Họ nhắc đến lời kêu gọi của Bác: Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa; Hải Phòng, Hà Nội và một số thành phố có thể bị tàn phá. Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do! Những hình ảnh và lời kêu gọi đó, hôm nay vẫn lắng đọng trong tiềm thức và hào khí của những người bạn Nga thật đáng trân trọng...

Ðạo diễn, NSƯT Trần Cẩm là người đã làm nhiều phim tài liệu truyền hình về Bác Hồ. Cách đây chưa lâu ông đã đạo diễn phim Những vần thơ Bác khai thác tài liệu từ Ðài Truyền hình Nhật Bản và ba tập phim Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Pháp. Những bộ phim tài liệu này đã được phát lại nhiều lần trên kênh VTV1 Ðài Truyền hình Việt Nam. Với tám tập phim tài liệu mới Hồ Chí Minh với nước Nga, NSƯT Trần Cẩm đã mang đến cho khán giả truyền hình những hình ảnh và câu chuyện mới làm phong phú thêm những hiểu biết về Bác Hồ kính yêu, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc trong những năm tháng trên đất Nga, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho phong trào đấu tranh tiến bộ xã hội trên thế giới, xây đắp cho hòa bình và tình hữu nghị Nga - Việt, và là một con người hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa nhân văn cao cả.

Nguồn Báo Nhân Dân