Kỷ vật kháng chiến - Ký ức thời hoa lửa

Với thế hệ hôm nay, những kỷ vật kháng chiến đã trở thành chiếc cầu nối cho những cuộc hội ngộ giữa quá khứ và hiện tại. Nhiều cuộc hội ngộ chỉ là đối diện với kỷ vật còn lại của người thân như một tấm áo, chiếc lược sắt, ba lô, trang nhật ký hay một bức thư nhưng đã mang lại những nỗi nhớ thương day dứt khôn nguôi…

Hiện vật thiêng liêng

Đó là những kỷ vật gắn liền với sự hy sinh vô giá của hàng chục ngàn liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những kỷ vật ấy giờ đây đã trở thành giá trị thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam, đặc biệt là những người đã trải qua chiến tranh như các cựu chiến binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, bao máu xương của đồng bào chiến sĩ đã đổ xuống cho đất nước được độc lập, tự do. Những vật dụng của họ theo năm tháng đã trở thành những hiện vật quý được nâng niu giữ gìn. Đó là khẩu súng, cái muỗng, cái chén, bộ quân phục, chiếc nón tai bèo, đôi giày, đôi dép, tăng võng mùng mền... Đó là xe tăng, khẩu đại bác, cây tầm vông vạt nhọn kiên cường… hay rất đỗi đời thường như chiếc bật lửa ở chiến trường, chiếc lược người thương binh làm giữa 2 trận đánh, là chiếc khăn tay, cuốn sổ của bạn gái tặng lúc lên đường...

Các em học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình TPHCM xem trưng bày
kỷ vật kháng chiến.

“Trong suốt 10 năm, từ 2001 đến 2011, các cán bộ chiến sĩ của Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ đã không quản ngại đến từng đơn vị, lặn lội đến từng ngõ làng, con phố gặp những cựu chiến binh, những người mẹ, người chị… để sưu tầm hiện vật”, đại tá Nguyễn Duy Thiệu, Giám đốc Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ cho biết. Kết quả rất khả quan, đến nay bảo tàng đã sưu tầm được 1.420 hiện vật nhiều chủng loại, 1.892 ảnh tư liệu cùng 3.250 bản chụp của 664 bức điện cơ yếu bản gốc… do các cựu chiến binh, cán bộ chiến sĩ từng sống và chiến đấu trên các chiến trường trao tặng.

Tiếng nói cho mai sau

Lần đầu tiên công bố sau 10 năm sưu tầm, chuyên đề các kỷ vật kháng chiến của Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ chiến sĩ, các bạn trẻ là sinh viên, học sinh và công chúng TPHCM.

Một nhóm sinh viên Đại học KHXH-NV TPHCM tập trung quan sát chiếc cối xay bột mà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Gành (ở xã Hồng Thái, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) dùng trong những năm tháng kháng chiến. Nhóm học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) thì thích thú xem chiếc xe đạp mà đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Miền tặng ông Nguyễn Sanh Dân năm 1968, lúc ấy là Trưởng bệnh viện K71B (chiếc xe được ông Dân sử dụng từ đó đến lúc làm Chủ nhiệm Quân y Quân khu 7 và khi nghỉ hưu); chiếc gùi của ông Điểu Hanh, Trưởng bản Sóc con trăng, Đăk Ơ, Phước Long, Bình Phước dùng để gùi vũ khí, lương thực cho bộ đội đánh đồn Đồng Xoài năm nào trong kháng chiến chống Mỹ.

“Những kỷ vật ấy không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị của một thời kỳ hào hùng mà còn có sức giáo dục lớp trẻ về lòng yêu nước, sự hy sinh, tình đồng chí, tình quân dân và cả tình yêu thủy chung son sắt”, bạn Nguyễn Thị Minh Thùy, sinh viên Đại học KHXH-NV TPHCM bày tỏ.

Giám đốc Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ cho biết thời gian tới, bảo tàng sẽ đưa chuyên đề giới thiệu đến các đơn vị, trường học để góp phần giáo dục truyền thống cho các bạn trẻ TP.

Nguồn Báo SGGP Online