Hỏi, đáp về sức khỏe sinh sản

(NTO) Hỏi : Vì sao người phụ nữ mang thai lại phải đi khám thai ?

Trả lời: Trong quá trình mang thai, người phụ nữ nên đi khám thai định kỳ và thường xuyên hàng tháng vì trong quá trình mang thai có thể có rất nhiều biến cố xảy ra liên quan đến sự phát triển bất thường của thai nhi và sự biến đổi của cơ thể người phụ nữ. Vì vậy người phụ nữ mang thai cần đi khám thai định kỳ ít nhất 3 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thời kỳ mang thai. Đi khám thai tại trạm y tế hoặc do người có chuyên môn khám để được theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của người mẹ. Nếu phát hiện được những biến đổi có hại cho thai nhi và cho sức khỏe của người phụ nữ thì các bác sĩ có thể tư vấn, hướng dẫn và chữa trị kịp thời. Cụ thể là:

- Ngay khi nghi ngờ mình có thai, người phụ nữ cần đi khám để được bác sĩ cho biết mình có thai không, thai có nằm trong buồng tử cung hay không…

- Sau đó định kỳ hàng tháng đi khám để được bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai. Nếu thai chậm phát triển cân nặng, sẽ được bác sĩ tư vấn tăng cường dinh dưỡng, thực hiện chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường của thai thì bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết và khám kỹ càng để chẩn đoán sớm các bệnh tật bẩm sinh của thai nhi. Nếu phát hiện bất thường ở người phụ nữ bác sĩ sẽ chữa trị kịp thời.

- Vào 3 tháng cuối, đi khám để bác sĩ kiểm tra xem thai có phát triển bình thường không, ngôi thai thuận hay ngược, dự kiến cuộc đẻ khó hay dễ. Từ đó sẽ tư vấn cho việc chuẩn bị sinh con an toàn.