Khắc phục bất cập trong khai thác đất rừng

Sau thời gian thực hiện cơ chế giao đất cho lâm trường và xã hội hóa một phần cho người dân thì đã xảy ra hiện tượng nhiều lâm phần giao cho dân thì có hiệu quả hơn cho lâm trường nhưng cũng nhiều nơi đất giao cho dân lại ở vùng sâu, vùng xa, khó canh tác và quản lý…

Đó là đánh giá tại Hội thảo “Thực trạng xung đột trong quản lý, sử dụng đất rừng giữa lâm trường quốc doanh với người dân địa phương” do Viện Tư vấn phát triển (CODE) tổ chức ngày 15/5.

Nhiều chuyên gia cho rằng lâm trường đã làm tốt những nhiệm vụ lịch sử của mình. Những lâm trường trước đây đã từng thu hút hàng ngàn công nhân nay nhiều lâm trường chỉ có 3,4 người thì không thể đủ lực lượng quản lý chứ chưa nói đến trồng và khai thác rừng một cách hiệu quả.

Đối với người dân, trước đây tham gia trồng và bảo vệ rừng rất nhiệt tình với hình thức như một hợp tác xã lớn nhưng nay mỗi người dân đều có thể tham gia trồng rừng và có được những nguồn thu riêng, thêm vào đó tình trạng đất chật người đông khiến cho người dân ngày càng có xu hướng tranh giành từng mét đất với các lâm trường.

Theo thống kê của Viện Tư vấn phát triển (CODE), đến nay, các lâm trường đã giao lại cho địa phương khoảng 702.000 ha rừng, chiếm 63,2% tổng diện tích dự kiến phải trả cho địa phương. Diện tích rà soát thu hồi quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh kế, chưa khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, đặc biệt là các vùng đông dân cư, điều kiện đất nông nghiệp bị hạn chế và hầu như sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng.

Để giải quyết được mâu thuẫn này, các chuyên gia của Viện CODE cho rằng cần làm rõ và lượng hóa các tiêu chí về rà soát đất đai của lâm trường quốc doanh (diện tích rừng phân tán, nhỏ lẻ, gần khu dân cư, đất rừng sử dụng không hiệu quả…) phù hợp với đặc điểm vùng miền. Cần đảm bảo nhu cầu sử dụng đất rừng tối thiểu cho người dân và cộng đồng có tập quán sinh kế dựa vào rừng để phát triển kinh tế, trên cơ sở phải đảm bảo hài hòa các lợi ích.

Rà soát đất đai của lâm trường quốc doanh cần dựa trên 3 vấn đề cơ bản: thực hiện rà soát trên cơ sở giải quyết dứt điểm các tranh chấp trên thực địa; xem xét nhu cầu sử dụng đất rừng tối thiểu của cộng đồng dân cư và hài hòa lợi ích các bên; đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, đặc biệt là người dân địa phương có sinh kế liên quan đến đất rừng.

Trên hết, với tình trạng tranh chấp đất rừng xảy ra tại các địa phương hiện nay, việc xây dựng một cơ sở pháp lý vững chắc là điều cốt lõi để mỗi đối tượng tham gia bảo vệ, trồng trọt và sản xuất trên đất rừng có thể yên tâm phát triển và bảo vệ rừng bền vững. 

Nguồn www.chinhphu.vn