Giải pháp mới bảo tồn bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường

Ngày 10/5, tại Thừa Thiên Huế, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng đại diện Công ty Chemo Iberica S.A (Tây Ban Nha) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề: “Giải pháp mới bảo tồn bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường”, với tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành.

Hội thảo khoa học “Giải pháp mới bảo tồn bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường” .
Ảnh: Sĩ Dũng

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp trong thời đại ngày nay với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, đái tháo đường (ĐTĐ) với biến chứng mạn tính thường gặp là loét bàn chân nặng vốn rất phức tạp và khó liền có thể dẫn đến nguy cơ phải cắt đoạn chi, thậm chí tử vong do nhiễm trùng. Không chỉ để lại hậu quả nặng nề về mặt tâm lý, người bệnh sau khi cắt đoạn chi còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong và tàn phế đối với bệnh nhân ĐTĐ, trong đó, loét bàn chân là một biến chứng mạn tính thường thấy, nguy hiểm vì dẫn đến phải cắt đoạn chi và tử vong khi bệnh ở giai đoạn nặng độ 3 và 4, theo phân loại của Wagner.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn và phân tích các vấn đề về loét bàn chân do đái tháo đường. Tất cả đại biểu đều cho rằng, các vết loét bàn chân ban đầu chỉ là vết xước nhỏ hoặc phồng da nhưng do không phát hiện kịp thời cũng như thiếu kiến thức chăm sóc khiến các vết loét lâu lành, lan rộng dẫn đến hoại tử. Việc đoạn chi là giải pháp cuối cùng. Song số người sống được sau đoạn chi 5 năm cũng chỉ chiếm khoảng 40%.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã giới thiệu yếu tố biểu bì tổ hợp người dạng chích – một hy vọng mới dành cho các bệnh nhân loét bàn chân nặng do đái tháo đường nặng phân độ 3 và 4 theo phân loại của Wagner. Đó chính là yếu tố phát triển biểu bì tái tổ hợp Heberprot-P – được nghiên cứu và phát triển bởi trung tâm công nghệ sinh học Cu Ba trong suốt nhiều năm qua. Phương pháp điều trị này thúc đẩy phát triển mô hạt, làm liền thương nhanh chóng đối với các vết loét lớn, nặng, phức tạp và góp phần bảo tồn chi cho người bệnh.

Tại Việt Nam, phương pháp này đã được thử nghiệm trên 33 bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh và bệnh viện Nội tiết Trung ương. Các cuộc thử nghiệm đã đạt được những kết quả khả quan trong tối đa 8 tuần điều trị. Có thể nói, Heberprot-P giúp giải quyết các vấn đề tâm lý, chi phí, giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh./. 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam