Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

(NTO) Mùa hè năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, là thời điểm dễ phát sinh các loại bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, hô hấp như cúm, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, tiêu chảy, lỵ... Đặc biệt là bệnh tay-chân-miệng vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát. Chính vì vậy, người dân cần quan tâm hơn đến sức khỏe của mình bằng việc tuân thủ những khuyến cáo của ngành Y tế để chủ động phòng, chống bệnh dịch.

Nhiều bệnh nhân nhập viện vì… nắng nóng

Trong tuần qua, thời tiết nắng nóng, oi bức (có thời điểm nhiệt độ cao trong ngày lên đến trên 38 0C) đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là đối tượng người già và trẻ em. Bác sĩ Thái Phương Phiên, Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh cho biết: “Do nắng nóng nên bệnh mùa hè có dấu hiệu tăng. Hơn 1 tuần lễ qua, đã có gần 4.000 lượt người đến khám, trong đó, hơn 100 bệnh nhân tiêu chảy, sốt siêu vi đã nhập viện điều trị”.

 
Bệnh nhi tay-chân-miệng được điều trị tại Bệnh viện tỉnh.

Tại khoa Nhi của Bệnh viện tỉnh, lượng bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng như sốt, viêm họng, tiêu chảy rất đông, dẫn đến quá tải 2-3 cháu phải nằm một giường bệnh. Anh Hoàng Văn Đạt, ở phường Phước Mỹ (Phan Rang-Tháp Chàm) vừa quạt cho con, vừa kể: “Cháu nhà tôi sốt đã 3 ngày. Vào viện bác sỹ chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi. Ở viện mới thấy không riêng gì con mình mà rất nhiều trẻ nhập viện do thời tiết.

Khu vực điều trị bệnh nhân tay-chân-miệng ở bệnh viện, tình trạng bệnh nhân nằm chung giường cũng rất phổ biến.

Theo thống kê của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 729 ca tiêu chảy cấp, 84 ca lỵ, 145 ca tay-chân-miệng, 45 ca thủy đậu và 48 ca sốt xuất huyết. Bác sỹ Thái Phương Phiên cũng nói thêm: “Nếu như tình hình nắng nóng kéo dài, rồi bất ngờ ập mưa như những ngày qua, nguy cơ các bệnh thường gặp còn tăng cao!”.

Bệnh dịch mùa hè-phòng hơn chữa

Để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm bùng phát trong mùa hè, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dịch và chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các cấp chủ động giám sát để có biện pháp dự phòng tích cực, phối hợp công tác điều trị, khống chế không để lây lan thành dịch. Tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân hình thành ý thức vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Năm, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe cho biết: “Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm, nhưng đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em. Đơn cử như bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ từ 6-12 tháng tuổi; tay-chân-miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 91%); quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh-thiếu niên; thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi (chiếm 90%); viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3-5 tuổi. Vì vậy, người lớn cần chủ động phòng bệnh cho trẻ”.

Được biết, hiện nay bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng ngừa, còn bệnh cúm đã có vắc-xin nhưng không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, nên việc phòng bệnh cho trẻ phụ thuộc vào ý thức của mỗi gia đình. Trước mắt để đối phó với mùa nóng, hiện nay các bậc cha mẹ nên chú ý vấn đề đầu tiên là phải cho trẻ uống nhiều nước, tránh uống nước đá vì rất dễ gây viêm họng. Trời oi bức, sử dụng máy lạnh nên để nhiệt độ vừa phải và không cách biệt với nhiệt độ bên ngoài nhiều quá. Ngoài ra, gia đình nên chú ý, thời tiết nắng nóng dễ làm thức ăn bị ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm hoặc các chứng bệnh về đường tiêu hóa. Quan trọng nhất vẫn là chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt cho trẻ, rửa tay thường xuyên, và hạn chế ăn các thức ăn ngoài đường phố.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, đối với bệnh lây qua đường máu như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cần biện pháp chung của cộng đồng là vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại trừ các ổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, khi ngủ nằm màn. Đối với bệnh lây theo đường hô hấp như cúm, rubela… cần đeo khẩu trang phòng hộ khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Để tăng cường khả năng miễn dịch thì biện pháp chủ động và hiệu quả là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Ngoài ra, cần thực hiện ăn uống hợp lý về dinh dưỡng, chọn mua thực phẩm tươi sạch; không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng; thức ăn nấu chín phải được bảo quản hợp vệ sinh; không ăn tiết canh, gỏi, nem chua, uống nước lã; rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Đối với các trường học cần xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, báo cho y tế địa phương để áp dụng các biện pháp phù hợp; liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để phối hợp giám sát, theo dõi sức khỏe học sinh.