Dự án phát triển chăm sóc mắt toàn diện

(NTO) Sở Y tế vừa tổ chức triển khai Dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam - tỉnh Ninh Thuận”. Dự án được thực hiện trong 4 năm, với kinh phí khoảng 6,2 tỷ đồng, triển khai ở các địa bàn: Tp.Phan Rang–Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc và Thuận Nam.

Dự án nhằm góp phần giảm thiểu số người bị mù có khả năng tránh được và hỗ trợ ngành Y tế địa phương nâng cao các dịch vụ chăm sóc mắt, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, chi phí hợp lý.

Theo đó, mục tiêu của Dự án: Nâng cao số lượng và kỹ năng cho các cơ sở chăm sóc mắt tại tuyến tỉnh, tuyến huyện và cơ sở nhằm cải thiện phạm vi, chất lượng và tính bền vững của các dịch vụ mắt. Trong 4 năm, tổ chức đào tạo 5 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ, 4 BS mổ mắt trung phẫu, 11 điều dưỡng mắt, 3 CB bảo quản trang - thiết bị, 4 CB đào tạo vi tính và 6 CB giảng viên về chăm sóc mắt ban đầu để tập huấn cho 32 cán bộ y tế xã và 188 cán bộ y tế thôn bản.

Các bác sỹ tiến hành mổ mắt cho bệnh nhân tại Trung tâm chuyên khoa mắt tỉnh.   Anh Tuấn

Củng cố cơ sở hạ tầng chăm sóc mắt, thông qua đó xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cung cấp trang - thiết bị phục vụ các dịch vụ chăm sóc mắt, như: cung cấp trang- thiết bị nhãn khoa, thiết lập mạng LAN/HMIS cho Trung tâm Chuyên khoa Mắt và cung cấp trang-thiết bị nhãn khoa cần thiết nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc mắt cho 4 bệnh viện huyện và cung cấp bộ chăm sóc mắt ban đầu cho 32 trạm y tế của các huyện nằm trong dự án.

Triển khai thương xuyên tầm soát các bệnh mắt gồm đục thủy tinh thể và Glaucoma tại cộng đồng, qua đó, hỗ trợ 1.600 ca mổ đục thủy tinh thể cho bệnh nhân nghèo; triển khai khám sàng lọc tật khúc xạ ở 34 trường học cấp THCS tại 4 huyện thuộc dự án cho 26.000 học sinh và cấp 1.400 đôi kính cho học sinh nghèo mắc tật khúc xạ.

Ngoài ra Dự án còn nâng cao nhận thức về phòng, chống mù lòa như là một vấn đề y tế cộng đồng và xây dựng năng lực của đối tác về y tế nhãn khoa; quản lý chương trình một cách hiệu quả nhằm đảm bảo sự cải thiện không ngừng và thực hiện kế hoạch hoạt động để đạt được các mục tiêu và mục đích của dự án.

Riêng trong năm 2012, Dự án cung cấp khoảng 2 tỷ đồng và vốn đối ứng của tỉnh khoảng 200 triệu đồng để triển khai các hoạt động như: khởi động và quản lý dự án, đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa, cung cấp trang-thiết bị chuyên khoa cho cơ sở y tế, triển khai thực hiện phẫu thuật 400 ca đục thủy tinh thể, khám khúc xạ học đường cho 34 trường học cấp THCS và các hoạt động truyền thông, xuất bản tài liệu truyền thông…