Giao quyền tự chủ tài chính cho trường học - Nên công khai, công bằng

Câu chuyện về tự chủ tài chính, tiết kiệm chi phí hành chính và khoản chi tăng thu nhập cho giáo viên từ nguồn kết dư ở mỗi trường học khác nhau đang khiến dư luận và người trong cuộc băn khoăn về tính công khai và công bằng. Và trăn trở này đang rất cần được chia sẻ, phân tích thấu đáo để định hướng đúng chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường.

Nhập nhằng thu chi

Trong đơn khiếu nại gởi các cơ quan chức năng ở quận 4 TPHCM, một số giáo viên Trường THCS Khánh Hội A quận 4 bức xúc phản ánh: “Việc thu chi nội bộ, trong đó có khoản chi tăng thêm thu nhập trong năm 2011 từ chủ trương tiết kiệm của ban giám hiệu nhà trường có nhiều điểm chưa rõ ràng. Do nhà trường không công khai các khoản thu chi từ ngân sách nhà nước cộng thêm việc giải thích về khoản tiền tiết kiệm dành cho tăng thu nhập một cách “qua loa, không thỏa đáng” đã khiến giáo viên thắc mắc, thậm chí bất bình”. So sánh với một số trường THCS trên địa bàn và các quận khác được lãnh số tiền thưởng khá lớn vào dịp cuối năm, một số giáo viên ở đây ngậm ngùi vì số tiền được chia từ khoản tiết kiệm quá ít ỏi.

Học sinh lớp 8 Trường THCS Hồng Bàng quận 5 trong giờ thực hành thí nghiệm môn Lý.
Ảnh: Mai Hải

Chuyện này một lần nữa cho thấy, chủ trương cho các trường học được quyền tự chủ về thu chi và tiết kiệm chi phí hành chính để tăng thu nhập cho giáo viên còn nhiều điều phải bàn tính. Bởi lẽ, cùng một chủ trương, cơ chế tài chính chung nhưng cách phân bổ ngân sách dành cho giáo dục ở mỗi quận, huyện lại khác nhau vì thế khoản tiền kết dư cũng khác nhau. Có nơi thì phân bổ khoản chi thường xuyên cho trường học theo đầu học sinh nhưng cũng có nơi lại phân chia theo lớp học. Chính vì thế, trường nào có đông học sinh thì có lợi thế “tiết kiệm” khoản chi nhiều hơn những trường, khối-lớp học có ít học sinh.

Bức xúc vì trường mình hoạt động hiệu quả, lượng học sinh khá đông nhưng khoản tiết kiệm chi phí hành chính để tăng thu nhập cho giáo viên không được bao nhiêu, một hiệu trưởng trường THCS ở quận 10 ngậm ngùi: “Thấy các trường khác tuyên bố giáo viên của họ được lãnh thưởng tết gần chục triệu đồng/người, chúng tôi thấy buồn cho mình quá. Chẳng hiểu họ được phân bổ kinh phí thường xuyên như thế nào và hoạt động ra sao mà có được khoản kết dư từ tiết kiệm chi phí lớn như thế để tăng thu nhập cho giáo viên?”. Như thế, cùng cơ chế phân bổ tài chính nhưng quận, huyện nào quản lý “thoáng” hơn thì trường đó có kết dư để chia đều cho giáo viên vào dịp cuối năm và ngược lại.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, khoản tiền có được từ tiết kiệm chi phí hành chính và cân đối thu chi ở mỗi trường khác nhau nên mức chia cũng chênh lệch khác nhau. Cụ thể, có một số trường phổ thông ở các quận 1, 3, Thủ Đức chi thưởng tết cho giáo viên ở mức cao: 10-30 triệu đồng.

Điển hình như trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Huệ có năm có giáo viên được chia từ 20-28 triệu đồng/người tùy thâm niên công tác. Một số trường THPT ở quận 6, Phú Nhuận, Bình Thạnh và huyện Cần Giờ... khoản thưởng tết dao động 10-15 triệu đồng/người. Ngoài khoản kết dư cao từ ngân sách, nhiều trường lý giải rằng họ còn có thêm nguồn thu từ kinh doanh bãi giữ xe, căng-tin, cho thuê mặt bằng... Tuy nhiên, các trường mầm non và tiểu học thì khoản tiền tiết kiệm được thấp nên giáo viên chỉ nhận từ 1-5 triệu đồng/người.

Chênh lệch kết dư

Theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TPHCM, đầu năm, sở rót kinh phí xuống cho từng trường theo số lượng học sinh của trường. Trường nào trong năm chi ít, tiết kiệm thì cuối năm còn dư nhiều, giáo viên sẽ được chia nhiều, ngược lại trường chi nhiều thì cuối năm giáo viên được chia ít. Chính vì thế mà có nhiều trường chia cho giáo viên trên chục triệu, thậm chí trên mức 20 triệu đồng/người nhưng có trường không có khoản này. Nguyên tắc chung này được áp dụng cho tất cả các trường nhưng nhìn lại thực tế mấy năm qua có không ít trường chuẩn quốc gia hoặc trường có cơ sở vật chất nhỏ hẹp phải ngậm ngùi vì cố gắng nhưng “không thể chi tiết kiệm được”.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi quận 4, chia sẻ: “Đã là trường chuẩn quốc gia thì rất khó có thể chi tiết kiệm vì cái nào cũng phải đầu tư “theo chuẩn”. Như thế, để giữ chuẩn thì không thể tiết kiệm. Chính vì thế, mấy năm nay, nhà trường không có khoản kết dư để thưởng cho giáo viên như những trường khác. Điều này làm chúng tôi rất buồn nhưng biết làm sao được”.

Khổ nhất có lẽ phải kể đến bậc học mầm non, đa số các trường thu không đủ chi vì trường phải tự trả lương cho bảo mẫu và nhân viên cấp dưỡng vì trong quy định không có biên chế cho những vị trí này.

Chính vì sự chênh lệch quá xa của số tiền kết dư hàng năm hay còn gọi là tiền thưởng tết ở các trường nên khi được hỏi họ thường ngại nói ra hoặc không muốn công khai. Không những thế, sự chênh lệch về thu nhập từ chủ trương tự chủ và tiết kiệm chi phí hành chính này cũng khiến dư luận lo ngại. Vấn đề đặt ra là liệu chủ trương tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên này có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục - đào tạo như giảm bớt kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy theo danh mục ở các trường? Nếu có hiện tượng này thì ngành giáo dục cần phải tiến hành đánh giá lại việc thực hiện chủ trương chung này và có biện pháp kiểm tra giám sát nguồn chi có đúng mục đích hay không?

Theo nhận định của một số chuyên gia giáo dục, hiện một số trường có chủ trương hạn chế mua sắm trang thiết bị, thậm chí từ chối tuyển thêm giáo viên nhằm mục đích giảm bớt nguồn chi trả lương cho giáo viên.

Tương tự, một số trường thiếu giáo viên nhưng không tuyển dụng thêm để tăng tiết cho các giáo viên nhằm tăng thu nhập cho họ. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục hiện nay, bởi sự quá tải trong giảng dạy đã làm cho giáo viên không còn tư duy sáng tạo, học hỏi nâng cao trình độ. Như thế, để Nghị định 43/CP của Chính phủ phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các trường tự chủ về tài chính, tiết kiệm chi phí để nâng cao đời sống cho giáo viên, ngành giáo dục và các ngành chức năng cần tiến hành đánh giá lại thực tế, trong đó có tiêu chí phân loại, đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của đơn vị. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế chi tiêu nội bộ, ở các trường học nhằm đảm bảo tính công khai, dân chủ và công bằng, chú trọng giải pháp chi trả thu nhập theo hiệu quả, vị trí công việc là một yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của đội ngũ giáo viên.

Nguồn Báo SGGP Online