Công tác hướng nghiệp học sinh phổ thông: Vẫn "hên xui" chọn nghề

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến mùa tuyển sinh (tháng 4, 5 trở đi) thì công tác phân luồng học sinh phổ thông lại được nhắc đến như là một trong những lý do chính dẫn đến hiện trạng “đìu hiu” của các trường nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Năm nay, dù “sân chơi” đã được trả lại cho các trường nghề, TCCN bằng Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT nhưng các trường nghề vẫn đối mặt nhiều khó khăn bởi chính công tác hướng nghiệp (chủ yếu hướng nghiệp cho HS vào ĐH-CĐ) và phân luồng chưa đồng bộ.

Hướng nghiệp yếu

Công bằng mà nói, hình thức và phương tiện hướng nghiệp hiện nay đã được cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức. Một số trường THPT trên địa bàn TPHCM không chỉ duy trì hình thức tổ chức cho học sinh gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu nghề nghiệp ở các lĩnh vực lao động khác nhau mà còn đưa học sinh đi thực tế tham quan các xí nghiệp sản xuất, các công ty. Tuy nhiên, cùng với các hoạt động tư vấn hướng nghiệp đủ kiểu, việc này cũng giống như “cưỡi ngựa xem hoa” khiến học sinh tuy ngập tràn trong biển thông tin ngành nghề nhưng ở trong một giai đoạn cụ thể, một tình huống cụ thể lại không thể chọn cho mình một ngành, nghề phù hợp.

Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh trong giờ thực tập tại trường.
Ảnh: Lê Linh

Những hạn chế trong công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh hiện nay như: cơ sở vật chất yếu kém, người tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đối tượng sau THCS khó tìm việc khi ra trường; các cơ sở giáo dục không mấy mặn mà khi tuyển đối tượng học tốt nghiệp bậc THCS; người học ra nghề nhưng các doanh nghiệp không quan tâm tuyển dụng; chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục còn thấp… ít nhiều đã được các nhà nghiên cứu quản lý giáo dục chỉ ra.

Tuy nhiên, suốt mấy năm trở lại đây, công tác định hướng nghề, phân luồng học sinh vào các trường nghề, trường TCCN vẫn mãi loay hoay với bài toán kết nối doanh nghiệp với nhà trường - nhà trường với học sinh và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chính bởi sự yếu kém trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh của các trường, sự lúng túng của các cấp quản lý trong việc tìm một hướng ra cụ thể, hiệu quả cho công tác hướng nghiệp đã dẫn đến sự bế tắc trong công tác phân luồng.

Nhận định về những khó khăn và vướng mắc mà công tác phân luồng đang gặp phải, TS Trương Hoàng Nam, chuyên gia phân tích thị trường lao động Công ty Chánh Nam, cho biết: “Cần xây dựng những bài trắc nghiệm tâm lý kết hợp qua các ngành nghề cho học sinh thì công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sẽ đạt hiệu quả cao. Qua nhiều đợt tuyển dụng, khi được hỏi về việc chọn nghề thì phần lớn các em đều có câu trả lời “chọn đại, hên xui chứ không có đam mê, sở thích gì”.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: Công tác phân luồng học sinh ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn và không mấy hiệu quả, mỗi năm chỉ có khoảng dưới 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN.

Thay đổi ý thức xã hội, nâng cấp trường nghề

Một khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 2010 cho thấy, trên 70% học sinh tốt nghiệp THPT chưa hình thành được ý thức sẵn sàng lao động nghề nghiệp. Tại thời điểm khảo sát chỉ có 8,1% học sinh dự định thi vào TCCN hay học nghề, còn 85,2% muốn vào ĐH và 56% sẵn sàng chờ năm sau thi lại ĐH nếu rớt.

Chính vì thế, theo ý kiến nhiều chuyên gia, muốn làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh, trước hết cần xóa bỏ tâm lý chuộng bằng cấp. Về việc này, TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM có đề xuất là chỉ nên tập trung giáo dục nghề nghiệp sau trình độ THPT, cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung luồng giáo dục nghề sau trung học, có thể gọi là CĐ chuyên nghiệp dành cho học sinh tốt nghiệp THPT có nhu cầu học nghề.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: Hàng năm, TPHCM có khoảng 67.000 học sinh tốt nghiệp THCS và 55.000 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến tỷ lệ phân luồng từ nay đến năm 2015 của chúng tôi như sau: Sau THCS có 70% học sinh vào học trường phổ thông và 30% (khoảng 20.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp. Sau THPT có 40% vào CĐ, ĐH và 60% (khoảng 33.000 HS/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp. Ông Thanh nói: Bộ Chính trị đã có quyết định và đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 phải có 30% HS phải đi học nghề. Riêng TPHCM tới năm 2015 có 70% người lao động phải qua đào tạo nhưng hiện tại mới chỉ đạt 50%. Đây chính là thuận lợi và cũng là cơ hội để các trường chuyên nghiệp nắm lấy.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng: Muốn chuyển được nhận thức xã hội trước hết phải xây dựng hệ thống giáo dục chuyên nghiệp tốt: trường ra trường, nghề ra nghề, học ra học và tốt nghiệp phải có việc làm. Các trường nghề, TCCN cần phải nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút học sinh bằng “chất lượng” ở đầu ra - tức công việc.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng: Việc không phân luồng được học sinh sau mỗi bậc học trung học là sự lãng phí và sẽ gia tăng gánh nặng lao động không được đào tạo cho xã hội. Theo TS Vinh, việc nâng cấp các trường nghề, thay đổi ý thức xã hội với bậc trung cấp nghề, trường nghề là việc cần phải làm, nhằm đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác định hướng, phân luồng cho học sinh.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT, mỗi năm cả nước có khoảng trên 700.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào được THPT và rớt tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có gần 10.000 học sinh trong tổng số này vào học TCCN. Trong khi đó, chiến lược phát triển giáo dục 2010 – 2020 của Bộ GD-ĐT đã đặt rất rõ mục tiêu là đến năm 2020 hệ thống các trường TCCN và dạy nghề phải thu hút được 30% học sinh trong độ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề và TCCN hiện còn quá thấp, khoảng 2,5% – 3% đối với trường nghề và từ 1,4% – 1,8% đối với hệ TCCN nên mục tiêu trên là không dễ.
Nguồn Báo SGGP Online