Tiếng kèn Huỳnh Hữu Lộng

(NTO) Đến phường Kinh Dinh (Phan Rang- Tháp Chàm) tôi nghe nhiều cựu chiến binh kể về tiếng kèn đồng xung trận của ông Huỳnh Hữu Lộng. Người đã đánh 148 trận lớn nhỏ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làm địch khiếp sợ ngày nào, nay thật bình dị bên người vợ hiền chung thủy cùng ông đi qua bao sóng gió cuộc đời.

Trong căn nhà 581, đường Thống Nhất, treo rất nhiều huân chương và bằng Tổ quốc ghi công. Mẹ ông là Mẹ Việt Nam anh hùng, chị gái ông cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. 3 anh trai của ông trước khi hy sinh là du kích, cán bộ xã, có người là Bí thư Huyện ủy. Truyền thống gia đình cách mạng thôi thúc ông đi thoát ly, làm chiến sĩ Tỉnh đội, cho đến khi tập kết ra Bắc trở thành lính Sư đoàn 304, Quân khu 5. Miền Nam dầu sôi, lửa bỏng, thôi thúc ông trở về ngay từ đầu năm 1960 và từ đó “tung hoành” trên các chiến trường, khi thì Đại đội trưởng Đại đội 305, khi 307, rồi 280 và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 460. Đồng hành với ông là tiếng kèn đồng, sau này đã trở thành huyền thoại.

Ông Huỳnh Hữu Lộng

Khi hỏi vì sao dùng kèn đánh giặc? Ông nói rằng, khi thấy nhân viên hỏa xa dùng chiếc kèn bằng đồng, dài khoảng 3 tấc để báo hiệu cho tàu đi qua, ông nảy ra ý động viên họ nhường cho quân giải phóng. Thời đó, đại đội đông quân, lại đóng rải rác, không có phương tiện liên lạc. Kèn là phương tiện liên lạc hữu hiệu nhất. Vậy là ông dùng kèn điều binh, thổi dài, thổi ngắn, 2 nhịp, hay 3 nhịp, có khi cả 9 nhịp để báo hiệu lui hay tiến, tăng cường mé Đông hay rút hướng Tây. Tất cả đều bằng tiếng kèn, ở xa cả cây số còn văng vẳng, bộ đội cứ thế làm theo. Để giữ bí mật, tín hiệu thường xuyên thay đổi, bọn địch nghe mà không thể nào phán đoán được. Có khi ông thổi mé Đông, nhưng lại đánh mé Tây. Có khi ông dùng kèn nghi binh, chỉ cất quân bộ phận nhỏ lẻ nhưng lại thổi dồn dập, mạnh mẽ cứ như cả đoàn quân ra trận. Quân ta nghe nức lòng, còn địch thì vô cùng hoang mang.

Trận đánh ngày 21-3-1966 là đáng nhớ nhất. Lúc này ông là đại đội trưởng cùng đồng chí Thái Vân là chính trị viên được tăng cường một trung đội và 9 đặc công có nhiệm vụ bao vây tiêu diệt đồn Nha Tiên Lễ do Đại đội Bảo An đóng giữ. Cùng với chiếc kèn đồng, ông đã chỉ huy trận đánh thắng lợi, đồng loạt trong 5 phút đã làm chủ yếu khu, tiêu diệt và bắt sống 45 tên, thu toàn bộ vũ khí đạn dược. Trận ngày 26-6-1966, lúc này ông là Đại đội trưởng Đại đội 1, đồng chí Lê Văn Nhiễm là chính trị viên có nhiệm vụ chỉ huy tiêu diệt địch ở đồn Hậu Sanh. Nhờ phối hợp tốt, chỉ trong 20 phút đã tiêu diệt 60 tên địch. Đây là 2 trong nhiều trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao cổ vũ động viên bộ đội khắp các địa bàn Ninh Thuận. Bọn địch lồng lộn tìm người chỉ huy Huỳnh Hữu Lộng để “dập tắt” tiếng kèn. Có lần đánh ấp chiến lược Từ Tâm (Ninh Phước) ông bị địch bắn bể xương chậu, chiếc kèn cũng vỡ toang. Không chịu thua, ông đi tìm chiếc kèn bằng đồng của Mỹ dài khoảng 5 tấc về tập thổi. Kèn này đòi hỏi phải dài hơi, ông dày công luyện cho đến khi tiếng kèn nghe thật “ngọt”. Nhưng thường xuyên cơ động, kèn này lại dài, vướng, ông thay bằng kèn sừng trâu, cắt gọn, chế lưỡi gà bỏ vào, lại đánh thêm mấy trận. Khi lên Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 610, để bảo đảm an toàn, ông dùng chiếc tu-huýt. Lúc này ông đã có máy thông tin bộ đàm, chiếc kèn chỉ vang ngắn chủ yếu cho các đơn vị ở gần. Nhưng nó là nỗi ám ảnh của địch. Còn tiếng kèn có nghĩa là Huỳnh Hữu Lộng còn sống, là tiếp tục những ngày chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Vậy là chiếc kèn đã đi cùng ông cho đến ngày quê hương giải phóng.

Ông Lộng chậm rãi tìm trong hộp kỷ vật kháng chiến chiếc kèn đồng nhỏ, đúng hơn là chiếc tu-huýt, có gắn dây dù. Bao nhiêu năm rồi mà nó vẫn sáng loáng. Ông nói rằng, chiếc kèn này ông thu được từ tên chỉ huy khi đánh yếu khu Nha Tiên Lễ. Ông giữ nó như giữ báu vật, bởi nó gắn liền với những năm tháng sôi động nhất của cuộc đời ông. Năm 1981, ông về hưu trên cương vị Huyện đội trưởng, quân hàm thiếu tá. Năm 2011, ông được nhận danh hiệu 60 năm tuổi Đảng do Tỉnh ủy Ninh Thuận trao tặng.

Ông Trần Văn Lãng, Hội CCB phường Kinh Dinh thoáng chút trầm tư khi nói về người chỉ huy của mình: “Tôi còn nhớ trận thôn Gò Sạn, Bắc Phong, Thuận Bắc năm 1965, chúng tôi đã tiêu diệt sinh lực địch vào ban ngày. Lúc đó địch ở các làng xung quanh đến chi viện rất đông. Tiếng kèn rút quân của anh ấy kịp thời giúp chúng tôi thoát ra ngoài, bảo toàn lực lượng. Những người lính bên kia chiến tuyến năm nào giờ ở tại phường cũng bày tỏ sự cảm phục đối với tiếng kèn Huỳnh Hữu Lộng.”

Với sự động viên của lãnh đạo chính quyền địa phương, ông đang làm các thủ tục để được đề nghị xét anh hùng. Nhưng trong ký ức của đồng đội, ông đã là người anh hùng và tiếng kèn của người chỉ huy Huỳnh Hữu Lộng vẫn vang mãi cùng năm tháng.