Xây dựng thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân

Ngày mới tái lập tỉnh, với nhận thức “Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế-xã hội”, nên mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta vẫn dành một nguồn kinh phí đáng kể đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Sau 20 năm nhìn lại, từ chỗ nhiều nơi còn “trắng” về thiết chế văn hóa thì hiện nay hệ thống Nhà Văn hóa, Nhà Cộng đồng... phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi.

(NTO) Quảng trường 16 Tháng 4 với cụm: Tượng đài - Quảng trường - Bảo tàng được xem là công trình văn hóa trọng điểm của tỉnh, có nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng, phân kỳ xây dựng theo từng năm. Đầu tiên là khu vực Quảng trường khánh thành vào năm 2005, tiếp đến là Tượng đài khánh thành năm 2011, và đúng vào dịp 20 năm tái lập tỉnh này, Nhà Bảo tàng cũng được khánh thành, phục vụ nhân dân trong tỉnh. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử, vừa mang giá trị nghệ thuật cao.

Công trình Nhà bảo tàng tỉnh - “điểm nhấn” khu vực Quảng trường 16 Tháng 4. Ảnh: V.Miên

Toàn bộ công trình được xây dựng trên khu đất rộng, khi quy hoạch Tp. Phan Rang – Tháp Chàm mở rộng về phía Đông, vị trí này nằm ở trung tâm và trở thành “điểm nhấn” văn hóa của toàn tỉnh. Thế nhưng ít ai biết rằng, 20 năm trước, đây là vùng đất cát bạc màu, sản xuất kém hiệu quả. Nói vậy để thấy những người làm quy hoạch biết nhìn xa, trông rộng. Không riêng gì trong tỉnh, mà khách các nơi mỗi lần qua đây đều có lời khen ngợi bởi các đơn nguyên kiến trúc trong Quảng trường được thiết kế độc đáo, có tính biểu trưng cao. Công trình thực sự phát huy được tác dụng khi hằng năm tại đây diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh, vừa là điểm vui chơi, giải trí của nhân dân trong những ngày nghỉ.

Không những vậy, thực tế cũng đáng ghi nhận đó là, tỉnh ta rất quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn và lưu giữ những di sản văn hóa. Ngày ấy, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc… nổi tiếng là vậy, nhưng bà con làng nghề làm ăn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sản phẩm chủ yếu bán trong vùng, chưa ai dám nghĩ vươn ra tìm thị trường ngoài tỉnh. Thế rồi tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu từ Trung ương, các Nhà trưng bày sản phẩm làng nghề lần lượt được xây dựng khang trang. Hàng loạt sản phẩm dệt, gốm độc đáo do chính bàn tay khéo léo của bà con dân tộc Chăm làm ra được trưng bày, giới thiệu đến đông đảo khách trong và ngoài nước. Làng nghề vì thế ngày càng phát triển, không bị mai một theo thời gian.

Trường DTNT Pinăng Tắc (huyện Bác Ái) vừa hoàn thành lớp đào tạo cho 14 học sinh sử dụng mã la
trong sinh hoạt học đường. Đưa văn hóa dân gian vào trường học thu hút học sinh gắn bó với trường học,
vừa bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. Ảnh: Sơn Ngọc

Tháng 4, về Làng nghề Mỹ Nghiệp, chúng tôi được đồng chí Hán Ngòi, Trưởng Ban quản lý khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) dẫn đi tham quan Nhà Trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm. Ngôi nhà xây dựng năm 2009, có kinh phí hơn 7 tỷ đồng, không những đẹp mà cách tổ chức hoạt động cũng rất bài bản. 55 hộ đăng ký sản xuất ở đây không đặt nặng lợi nhuận, chỉ chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy, thương hiệu làng nghề được cả nước biết đến, mỗi năm đón hàng ngàn khách đến tham quan. Cuối năm 2011, được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng mua sắm dàn nhạc cụ, địa phương thành lập ngay Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thống. Ở các xã Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Thái… cũng đã có Nhà Văn hóa, hoạt động hiệu quả.

Từ làng Chăm chúng tôi ngược lên Chiến khu Bác Ái xưa, ghé vào Nhà truyền thống Bác Ái, ở xã Phước Đại mới thấy hết ý nghĩa của việc đầu tư xây dựng công trình này. Khánh thành vào năm 2000, ngôi nhà có quy mô vừa phải, khá thẩm mỹ. Chứa đựng trong đó là các tài liệu, hiện vật phản ánh đời sống văn hóa và cuộc kháng chiến đầy gian khổ nhưng anh dũng, kiên cường của quân, dân Bác Ái chống lại quân thù xâm lược. Cựu chiến binh Chamaléa Liệu, ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại, tâm sự: “Nếu không có Nhà truyền thống thì thế hệ trẻ hôm nay khó hình dung được công lao của cha ông trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc”. Nghe chú Liệu nói, chúng tôi hiểu trong đổi mới hôm nay, rất cần đầu tư xây dựng những công trình hiệu quả mang lại không phải tiền bạc, mà là giá trị tinh thần, xã hội.

Ngoài những thiết chế văn hóa kể trên, trong 20 năm qua, hàng chục công trình văn hóa khác cũng được xây dựng. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên toàn tỉnh hiện có 21 nhà văn hóa, tập trung nhiều ở những vùng đồng bào Chăm và Raglai. Kinh phí xây dựng mỗi căn trên dưới 1 tỷ đồng. Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện Ninh Sơn, Ninh Hải vừa được xây dựng, tổng kinh phí 39 tỷ đồng. Cùng với đó, 185 công trình thể dục- thể thao cấp xã, phường và hàng chục nhà cộng đồng thôn cũng đã ra đời… Đồng chí Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận: “Những thiết chế văn hóa được xây dựng có vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục-thể thao của nhân dân. So với 20 năm về trước, thì đời sống tinh thần hiện nay của người dân được nâng lên rất nhiều”.