Những thầy giáo quân hàm xanh

Kể từ năm 1993 đến nay, Đồn Biên phòng 416 thường xuyên mở các lớp học tình thương dạy chữ cho trẻ em, bà con nghèo, góp phần nâng cao dân trí cho người dân vùng biển.

(NTO) Đồn 416 đứng chân ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh (Thuận Nam), quản lý khu vực biên giới biển 2 xã An Hải (Ninh Phước) và Phước Dinh. Địa bàn thuộc khu vực bãi ngang có 5.800 hộ, với 24.600 người. Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản ven bờ và chăn nuôi gia súc; đáng nói là nhiều hộ dân không quan tâm đến việc học của con cái, thậm chí một số người lớn “một chữ bẻ đôi” cũng không biết, có những gia đình cả bố, mẹ và con đều không biết chữ.

Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng 416 dạy chữ cho con em đồng bào địa phương. Ảnh: Tư liệu

Trước thực tế đó, ngay từ khi Đồn mới đi vào hoạt động (tháng 3-1993), cấp ủy, chỉ huy đơn vị coi trọng công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương mở các lớp học tình thương. Lớp đầu tiên được mở là vào tháng 6-1993, ở thôn Từ Thiện (Phước Dinh) gồm 24 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Do ban ngày các em theo cha, mẹ làm rẫy, nên các anh phải dạy vào ban đêm, từ 17 giờ đến 19 giờ. Chỉ sau khoảng 6 tháng theo học, nhờ sự chỉ bảo tận tình của những người lính mang quân hàm xanh, các em đã biết viết, biết đọc, biết làm các phép toán cộng, trừ…

Việc làm của các CBCS Bộ đội Biên phòng được nhân dân địa phương mến phục. Những năm sau đó, bà con ở các thôn Bàu Ngứ, Sơn Hải, Vĩnh Trường (Phước Dinh) đề nghị bộ đội về địa phương dạy chữ cho con em mình. Nhu cầu học nhiều nên Đồn huy động toàn thể CBCS thay phiên nhau đứng lớp.

Trung tá Nguyễn Xuân Quang, Đồn trưởng, người từng tham gia dạy học, nhớ lại: “Hồi đó, xã Phước Dinh rất heo hút. Đường sá đi lại giữa các thôn chỉ là những lối mòn trên cát. Điện chưa về đến nơi, tối đến chỉ thắp đèn dầu. Dạy chữ trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng anh em trong đơn vị luôn bám dân, bám lớp”.

Hiện nay, Đồn đang duy trì 2 lớp học tình thương ở thôn Bàu Ngứ và 1 lớp ở thôn Sơn Hải 2. Kể về việc mở các lớp học trên, Trung úy Quảng Minh Thông, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, thổ lộ: “Gần đây, qua thực hiện công tác dân vận, giúp bà con làm đường liên thôn, xây nhà cho các hộ dân theo Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, chúng tôi phát hiện một số trẻ em ở thôn Sơn Hải do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thường xuyên bỏ học, nên bị tái mù chữ. Thương các em, đơn vị phối hợp với chùa Long Hải mở lớp dạy chữ cho các em vào ban đêm. So với các lớp học tình thương trước đây, hiện nay các em được học tập trong điều kiện phòng ốc đàng hoàng hơn, đầy đủ ánh sáng. Các em được hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập từ nguồn đóng góp của CBCS đơn vị và nhà chùa vận động được. Riêng 2 lớp xóa mù chữ ở thôn Bàu Ngứ là đặc biệt nhất. 47 học viên phần đông lớn tuổi, nhiều người đã ngoài 40. Có gia đình cả hai vợ chồng đều đi học. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tý, 38 tuổi, lớp trưởng, cởi mở: “Hiện nay có 15 hộ là đồng bào Chăm ở các xã Phước Hải (Ninh Phước), Phước Nam (Thuận Nam) đến tạm trú ở thôn để chăn nuôi bò, dê. Do nơi ở của họ thường xuyên thay đổi nên nhiều người không được học hành. Trước đây bà con nghĩ làm nông cần gì biết chữ, nhưng gần đây họ nhận thức được biết chữ là rất quan trọng để nâng cao đời sống, nên rủ nhau đi học”.

Từ năm 1993 đến nay, Đồn đã mở hàng chục lớp học tình thương. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, Đồn mở được 5 lớp dạy chữ cho 95 người. Việc làm ý nghĩa của Đồn đã góp phần nâng cao dân trí, tạo điền kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, qua đó thắt chặt hơn nữa tình quân- dân.