Chọn nghề cho tương lai

Thời điểm này, các em học sinh lớp 12 và phụ huynh đang có nhiều băn khoăn trước khi đặt bút đăng ký dự thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2012. Làm thế nào để chọn đúng ngành nghề cho mình? Đây quả là câu hỏi không hề dễ với phụ huynh và học sinh.

(NTO) Các nhà giáo dục, tâm lý học cho rằng, chọn nghề phù hợp là điều kiện tiên quyết góp phần cho sự thành công trong học tập và công việc sau này. Nó như nền móng cho sự nghiệp mỗi người. Chính vì vậy, định hướng nghề nghiệp sẽ giúp các em chọn ngành nghề một cách hiệu quả nhất. Các em chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời trước tiên cần quan tâm đến việc tư vấn tuyển sinh của nhà trường, của các trường đại học, cao đẳng, các báo, trang mạng... Từ những gợi ý, lưu ý và giới thiệu của các trường đại học về ngành nghề, học sinh sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về trường mình quan tâm. Với cái nhìn sâu sắc đó, các em hiểu rõ hơn, có điều kiện cân đong đo đếm những điểm mạnh yếu của từng ngành.

Tiếp đến, các em nên tham khảo nhu cầu xã hội sẽ hút ngành nghề nào trong tương lai, những nguồn nhân lực nào đang hút lao động, nghề nào đang dư thừa... Cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến những ngành học mới. Chính những ngành mới mẻ này mai sau chắc chắn cho các em công việc tốt, có điều kiện thăng tiến.

Các em không thể bỏ qua những số liệu cách đây vài ba năm về tỉ lệ chọi của các trường mà mình có ý định dự thi. Và đừng quên tìm hiểu về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 ở các trường này. Những số liệu đó sẽ vô cùng quan trọng để chúng ta tham khảo xem tỉ lệ chọi có cao, thấp hay vừa. Thờ ơ với các con số tưởng chừng không biết nói đó là một sai lầm không nhỏ vì chính nó cho ta một cái nhìn toàn diện hơn.

Sở thích và niềm đam mê ngành nghề cũng là một mắt xích không thể thiếu để học sinh chọn nghề cho mình. Khi không có đam mê, các em sẽ ít có thành công trong học tập và cuộc đời sau này. Thực tế cho thấy không ít người đã phải trả giá về lựa chọn những ngành mình chẳng thích thú gì. Không yêu nghề, nói đến cống hiến và hết lòng với công việc là khó có thể làm được. Cái gì mình thích, mình say sưa ắt gặt hái được nhiều kết quả.

Bên cạnh đó, lựa chọn nghề phải phù hợp với năng lực, sức khỏe, lực học và điều kiện kinh tế của gia đình. Ai cũng có cơ hội ngang nhau, điều đáng nói là phải biết được khả năng của mình để đặt bút đăng kí vào các trường vừa tầm, xác suất thi đậu sẽ cao hơn.

Cuối cùng là tham khảo ý kiến từ thầy cô giáo dạy mình, gia đình và bạn bè. Họ sẽ các em những lời khuyên chân tình mà đôi khi người trong cuộc ít hoặc không chú ý đến về những mặt mạnh mặt yếu hay những năng khiếu của mình. Song cũng không nên nghe theo một cách thái quá mọi góp ý cho mình.

Cũng cần phải nói thêm, không chọn nghề theo phong trào, theo bạn bè, theo “thời thượng”. Đó là điều mà các sĩ tử phải hết sức lưu ý để tránh. Với chỉ một sai lầm do thiếu cân nhắc thôi, các em học sinh phải nhận những hậu quả khó lường, tốn bao công sức, thời gian, tiền bạc của gia đình và bản thân. Đã có rất nhiều người mất không biết bao sức lực để làm lại từ đâu khi chọn sai nghề.

Suy nghĩ, cẩn trọng, cân nhắc kĩ lưỡng trước khi chọn nghề cho tương lai sẽ giúp các em học tập tốt, yêu nghề và thành công trong cuộc đời.