Không chủ quan với dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần lưu ý, mặc dù dịch cúm gia cầm có giảm nhưng nguy cơ dịch tái phát là điều có thể xảy ra nếu nỗ lực phòng chống dịch thời gian qua không được tiếp tục được duy trì.

 Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chiều 13/3, báo cáo của các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm tại các địa phương cho thấy, nhìn chung các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Các ổ dịch xuất hiện nhỏ lẻ và được bao vây dập dịch kịp thời.

Các ổ dịch xuất hiện nhỏ lẻ và được bao vây dập dịch kịp thời.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm là cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh đã giảm.

Đến nay, trên cả nước chỉ còn 4 tỉnh có cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là Quảng Trị, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Hải Dương; 3 địa phương gồm Hà Giang, Hà Nam, Nam Định có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày; duy nhất còn tỉnh Lào Cai xuất hiện dịch tai xanh.

Phục vụ công tác chống dịch, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung ứng 60 triệu liều vaccine H5N1 cho các địa phương. Ngoài 13 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cục Thú y đã và đang tiếp tục cung ứng vaccine H5N1 cho 15 tỉnh gồm: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắc Lắc, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi, đại diện 1 trong 7 đoàn công tác vừa kiểm tra tình hình về nhận xét các tỉnh đều có văn bản chỉ đạo, việc chuẩn bị vật tư nhân lực phòng chống dịch tốt, kiểm dịch động vật được tăng cường giữa các tỉnh, đã có đội đi tiêm phòng tận thôn, bản.

Tuy nhiên, một số địa phương phê duyệt kế hoạch 2012 chậm, công tác tiêm phòng thì tỉ lệ đạt thấp, việc quản lý vịt chạy đồng triển khai chưa tốt (trừ An Giang và Tiền Giang).

Biện pháp được ông Nguyễn Thanh Sơn nêu lên đó là: Đối với các tỉnh chưa xảy ra dịch áp dụng biện pháp “4T”: tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, thanh tra, kiểm tra còn các tỉnh có dịch thì thêm “1T” là: tiêu hủy.

Ông Nguyễn Thanh Sơn đánh giá đợt dịch này xảy ra ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, chủ yếu là các ổ dịch lẻ tẻ và về cơ bản đã dập được dịch. Những địa phương phát hiện sớm, tiêu hủy nhanh, tiêm bao vây thẳng vào ổ dịch sẽ dập dịch rất nhanh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần lưu ý, mặc dù dịch bệnh có giảm nhưng nguy cơ dịch tái phát là điều có thể xảy ra nếu nỗ lực phòng chống dịch thời gian qua không được tiếp tục duy trì.

Cục Thú y cần tiếp tục cung ứng vaccine cho các địa phương tiêm phòng cúm gia cầm, không chủ quan lơ là khi điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho virus phát triển và lây lan, Cục cần giám sát thêm sự lưu hành của virus cúm gia cầm để thông báo kịp thời cho địa phương chủ động ứng phó. Tiếp tục hoàn tất thủ tục cũng như chuẩn bị đủ vaccine để tiêm phòng dịch lở mồm long móng và lợn tai xanh trên gia súc.

Đối với dịch lợn tai xanh, cần tăng cường kiểm tra phát hiện dịch, khi có dịch xảy ra cần áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt như tiêu hủy ngay lợn chết, lợn bệnh, công bố dịch, thành lập Ban chống dịch, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, tạm thời dừng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra ngoài huyện có dịch…

Nguồn www.chinhphu.vn