Tự phê bình và phê bình, vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng

Giá trị đích thực của nguyên tắc tự phê bình và phê bình Ðảng ta thường nói: Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Ðảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Sự khẳng định ấy là đúng đắn, cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Nhìn lại hoạt động của Ðảng trong hơn 80 năm qua, chúng ta thấy rõ: Trong công tác xây dựng Ðảng, Ðảng ta luôn nhất quán lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, lấy tự phê bình và phê bình làm phương pháp chính yếu để kiểm điểm công việc, đánh giá đúng sai, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, làm cho Ðảng luôn tiên phong, tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ

Không phải ngẫu nhiên, trong "Sửa đổi lối làm việc" (1947) một tác phẩm mẫu mực về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Bác Hồ đã mở đầu bằng chương I "Phê bình và sửa chữa".

Bác viết:

"Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ".

"Ðảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.

Nhưng nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Ðảng còn to tát hơn nữa.

Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều".

Bác ví khuyết điểm như bệnh tật, phê bình như uống thuốc. "Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh". "Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra những khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2011, Tập 5, tr 273 và tr 301).

Những lời chỉ dạy của Bác Hồ trong "Sửa đổi lối làm việc" cũng như trong nhiều bài nói và bài viết sau này đã thật sự đặt nền móng cho việc xây dựng một chế độ tự phê bình và phê bình có nền nếp trong Ðảng ta. Và nhờ sử dụng tự phê bình và phê bình như một vũ khí, Ðảng ta đã gặt hái được nhiều kết quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Qua đó, góp phần làm cho Ðảng ta làm tròn sứ mệnh của một Ðảng tiên phong, lãnh đạo nhân dân giành những thắng lợi vĩ đại. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng nói chung, tự phê bình và phê bình nói riêng, nhiều lúc, nhiều nơi còn bị buông lỏng hoặc làm một cách hình thức, qua loa, chiếu lệ. Sinh hoạt tự phê bình và phê bình bị biến dạng dưới nhiều kiểu, nhiều cách. Phổ biến nhất là tình trạng nể nang, xuề xòa, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật, "nói tốt trước mặt, hục hặc sau lưng". Lợi dụng tự phê bình và phê bình để đề cao cá nhân, bơm thổi những việc mình làm được, bào chữa những việc mình làm hỏng; che giấu khuyết điểm cho nhau; vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; hoặc ngược lại; bới móc và đả kích nhau, biến những cuộc họp kiểm điểm thành nơi "đấu đá" và "hạ bệ" nhau.

Những lệch lạc nêu trên cần được kịp thời chấn chỉnh. Trả lại giá trị đích thực cho nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đồng thời lành mạnh hóa sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong Ðảng là một yêu cầu bức thiết.

Mài sắc hơn nữa vũ khí tự phê bình và phê bình

Với quyết tâm tạo nên một chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Hội nghị Trung ương 4 đã ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay", coi tự phê bình và phê bình là "khâu mấu chốt nhất" để kiểm điểm, đánh giá tình hình, đề ra quyết sách và tổ chức việc thực hiện.

Chính với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc, Trung ương không chỉ khẳng định những kết quả tích cực đạt được mà còn thẳng thắn chỉ ra rằng: "Công tác xây dựng Ðảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ". Trong ba loại yếu kém nổi bật nhất, nổi lên hàng đầu là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp. Suy thoái có những biểu hiện khác nhau: phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Vì lẽ đó, "kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái..." được coi là vấn đề cấp bách nhất trong ba vấn đề cấp bách được xác định.

Về hệ thống giải pháp cho ba vấn đề cấp bách, cũng trên tinh thần đặc biệt coi trọng tự phê bình và phê bình, Trung ương đã đặt lên hàng đầu nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên.

Thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, chúng ta có thể tìm lời giải đáp cho một số câu hỏi lâu nay vẫn thường được đặt ra.

Về mối quan hệ giữa tự phê bình và phê bình.

Tự phê bình và phê bình không phải hai chuyện khác nhau mà là hai mặt của cùng một vấn đề. Chỉ khác nhau ở chỗ: phê bình là kiểm điểm người khác, còn tự phê bình là mình kiểm điểm mình. Nói mình và người là nói đến chủ thể. Chủ thể có thể là một cán bộ, đảng viên, một cấp ủy hay một tổ chức đảng. Với bất cứ chủ thể nào, tự phê bình vẫn là mặt chính yếu nhất. Bởi chủ thể là người biết rõ công việc của mình hơn ai hết, biết mình đã làm gì và làm như thế nào; tự phê bình thể hiện tính tự giác và tinh thần trách nhiệm trước công việc, trước Ðảng và trước nhân dân. Nhưng tự phê bình cũng có mặt hạn chế khi chủ thể có sự chủ quan trong nhận thức: sai tưởng đúng, xấu tưởng tốt, trái tưởng phải. Vì vậy, cần có phê bình. Phê bình là chỉ ra khuyết điểm (hay ưu điểm) của chủ thể tự kiểm điểm. Phê bình đúng sẽ giúp cho người mắc sai lầm, khuyết điểm thấy sự cần thiết phải sửa chữa. Người phê bình thường có thái độ khách quan hơn người tự phê bình. Về mặt này, phê bình có ý nghĩa rất quan trọng, có khi quan trọng hơn tự phê bình. Tự phê bình và phê bình giống như hai cánh của cùng một con chim. Chim không thể bay nếu hai cánh không cùng vỗ. Sẽ là không đúng nếu đánh giá kết quả một cuộc họp kiểm điểm, nhất là kiểm điểm một tập thể, một cấp ủy, một tổ chức đảng mà chỉ căn cứ vào tiếng nói của một chiều phê bình hay tự phê bình. Ðó là chưa nói đến những trường hợp có biểu hiện sai trái làm biến dạng tự phê bình và phê bình như đã nói ở phần trên.

Về mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trong tự phê bình và phê bình.

Trước nay, ta vẫn chủ trương, tự phê bình và phê bình phải tiến hành đồng bộ, từ trên xuống và từ dưới lên, mà thường là từ dưới lên. Lần này, cũng như trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII (1998), Trung ương chủ trương làm từ trên xuống.

Trước hết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm, làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Ðảng. Tiếp đó, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá, liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong nghị quyết này, đề ra biện pháp giải quyết. Sau nữa, các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Ðảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế.

Trung ương cũng nhấn mạnh: Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo.

Về mối quan hệ giữa kiểm điểm, tự phê bình và phê bình với xử lý theo kỷ luật Ðảng và theo pháp luật của Nhà nước.

Tự phê bình và phê bình có mục đích giúp các chủ thể (cá nhân và tập thể) thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của các đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, "trị bệnh cứu người". Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, không tiếp thu sự giúp đỡ của tập thể thì phải xử lý thích đáng.

Ðó là nói trong phạm vi tự phê bình và phê bình. Còn xử lý như thế nào, theo kỷ luật Ðảng hay theo pháp luật của Nhà nước là tùy thuộc vào tính chất và mức độ của các sai phạm.

Kỷ luật Ðảng bao gồm nhiều hình thức. Ðối với tổ chức đảng, đó là khiển trách, cảnh cáo, giải tán. Ðối với cá nhân đảng viên, đó là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Pháp luật của Nhà nước cũng quy định nhiều khung hình phạt khác nhau, tùy theo từng loại tội phạm.

Việc thi hành kỷ luật trong Ðảng hoàn toàn không thay thế cho việc xử lý theo pháp luật. Có những trường hợp chỉ thi hành kỷ luật trong Ðảng là đủ. Nhưng có những trường hợp sai phạm nghiêm trọng, gây tổn hại cho Ðảng, Nhà nước và nhân dân, thậm chí vi phạm pháp luật rõ ràng thì nhất thiết phải truy tố trước pháp luật và chịu sự phán xử nghiêm minh của pháp luật.

Ðiều cần nói thêm

Ðể đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, giải quyết các vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, tự phê bình và phê bình được coi là nhóm giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất. Còn có các nhóm giải pháp khác nhau: nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về tổ chức về cơ chế, chính sách và nhóm giải pháp về công tác chính trị, tư tưởng. Mỗi nhóm giải pháp ấy đều chứa đựng những nội dung mới, những việc làm cụ thể và thiết thực.

Tiếc rằng, để tập trung vào chủ đề tự phê bình và phê bình, bài viết này không thể đề cập tới những nội dung và việc làm ấy.

Dẫu sao, tôi vẫn tin, chỉ có thực hiện đầy đủ và đồng bộ các nhóm giải pháp đã đề ra, với tinh thần tích cực, khẩn trương, chắc chắn, có lộ trình và bước đi hợp lý, đã nói là làm, thì việc đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 vào cuộc sống mới thật sự trở thành hiện thực.

Nguồn www.chinhphu.vn