Bài toán đất sản xuất ở thôn Núi Ngỗng và Láng Ngựa

Thôn Núi Ngỗng có tổng số 178 hộ (741 khẩu) và thôn Láng Ngựa có 101 hộ (414 khẩu) thuộc xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đều là những thôn có đa số đồng bào dân tộc Raglai sinh sống.

(NTO) Trong những năm qua, cả 2 thôn đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở và hệ thống điện sinh hoạt theo Chương trình 134, bước đầu đã có một số chuyển biến trong đời sống của người dân. Tuy nhiên cho đến nay, Núi Ngỗng và Láng Ngựa vẫn là hai thôn nghèo do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Nuôi bò được coi là kinh tế chủ lực ở thôn Núi Ngỗng.

Đến thôn Núi Ngỗng vào một ngày giữa tháng 2, điều ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là nỗi háo hức của người dân khi được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh về tận thôn. Nhưng để lắp đặt đường ống nước vào nhà với mức phí bình quân 1,3 triệu đồng/hộ, 67 hộ dân Raglai trong thôn “chào thua” vì không đủ tiền trang trải. Để giải quyết vấn đề này, Nhơn Sơn đang đề xuất Ban quản lý Chương trình Nước sinh hoạt nông thôn tỉnh hỗ trợ chi phí lắp đặt đường ống nước vào nhà dân. Anh Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn bức xúc: “Là xã đồng bằng nên đồng bào dân tộc Raglai ở đây không được hưởng chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh từ chương trình 135. Đã vậy hiện nay hầu như không có người dân Núi Ngỗng và Láng Ngựa nào có đất canh tác nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn”. Theo điều tra của UBND xã Nhơn Sơn, Núi Ngỗng có 86 hộ nghèo (377 khẩu) trong đó chỉ có 19 hộ người Kinh. Tương tự, thôn Láng Ngựa có 83 hộ nghèo thì hết 80 hộ là dân tộc Raglai. Gần đây để giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nhơn Sơn đã hỗ trợ bò cho 20 hộ nghèo Núi Ngỗng và 25 hộ nghèo Láng Ngựa nuôi, mỗi hộ 1 con.

Thôn Núi Ngỗng có diện tích tự nhiên 352 ha và Láng Ngựa là 127 ha, hầu hết chỉ có đất trống, đồi trọc trơ sỏi đá. Theo anh Bùi Văn Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn, Láng Ngựa có 3 ha đất màu và 1,5 ha đất trồng lúa nhưng trong thực tế không phải do người địa phương canh tác. Thực trạng thôn Núi Ngỗng cũng không kém, ngay cả UBND xã cũng không nắm chắc diện tích đất sản xuất từng có nơi đây. Để hiểu rõ vấn đề, chúng tôi đã tìm gặp anh Mang Đức, nguyên Đội trưởng Đội 7 (tiền thân thôn Núi Ngỗng) và từng đảm nhận vai trò Trưởng thôn trong thời gian dài. Anh kể trước năm 1990, bấy giờ đội 7 chỉ có 16 hộ dân Raglai với tổng cộng trên 7 sào lúa, được chia bình quân mỗi hộ gần 500m2 ruộng. Sau khi tách khỏi thôn Lương Cang, thành lập thôn mới do không vốn đầu tư, năng suất lúa lại đạt thấp (vụ đông-xuân năng suất bình quân 5 tạ/sào, các vụ khác 2-3 tạ/sào) nên nông dân thôn Núi Ngỗng phải vay mượn ăn dần, rồi không trả nổi nợ phải sang nhượng đất. Không còn đất, người Núi Ngỗng chỉ còn cách đi làm thuê kiếm sống tại các trang trại trồng trọt, chăn nuôi lớn và chọn nghề nuôi bò làm kinh tế chủ lực của thôn. Tình trạng này cũng diễn ra giống như thôn Láng Ngựa.

Chị Mang Thị Thích, cư dân của thôn Núi Ngỗng cho biết: “Người dân ở đây nhờ rất nhiều vào việc nuôi bò, nhà nào có xe máy đều từ bán bò mà sắm được”. Anh Mang Đức giải thích thêm: “Dạo này các trại nuôi dê, cừu gặp khó khăn và việc thu hoạch lúa đã có máy gặt đập liên hợp nên chúng tôi kiếm việc làm không ra. Nhưng chỉ trừ những người quen ỷ lại, suốt ngày uống rượu bê tha không chịu làm mới đói, còn đa số dân trong thôn đều vay vốn ngân hàng nuôi bò hiệu quả, 90% dân Raglai trong thôn đều có xe máy làm phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa. Nếu có đất sản xuất, tôi tin rằng đời sống người dân chúng tôi sẽ đổi khác”. Rõ ràng để cải thiện cuộc sống, người dân thôn Núi Ngỗng, Láng Ngựa không thể chỉ dựa vào chăn nuôi vốn cũng đang khan hiếm về đồng cỏ tự nhiên. Là nông dân, hơn bao giờ hết người dân mơ ước có đất nông nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất.

Nhận thức rõ thực trạng trên, Nhơn Sơn đã kiến nghị với tỉnh, huyện về việc cấp đất cho người dân thôn Núi Ngỗng, Láng Ngựa canh tác. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn là bài toán nan giải vì thực tế chưa thể kiếm đâu ra đất để cấp. Anh Nguyễn Hữu Chí bộc bạch: “Không có đất canh tác, với công việc bấp bênh tạm bợ, làm sao nâng cao thu nhập người dân hai thôn trên theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà Nhơn Sơn đang phấn đấu thực hiện trong 5 năm tới. Địa phương mong tỉnh quan tâm, có giải pháp hoán đổi giao đất cho bà con Raglai để họ ổn định sản xuất, nâng dần mức sống”.