Khánh Hòa: Ra khơi với mô hình “tàu mẹ – tàu con”

Ngày 16-2, tại cảng cá Hòn Rớ thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, Hội nghề cá Khánh Hòa đã tổ chức lễ xuất quân khai thác và thu mua hải sản tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, DK1 dựa trên mô hình “tàu mẹ – tàu con”.

 

Khánh Hòa: Xuất quân đánh bắt hải sản với mô hình “tàu mẹ – tàu con” 

Đây là mô hình hợp tác sản xuất nhằm nâng cao thời gian bám biển, tiết kiệm nhiên liệu, thời gian, phí tổn cho ngư dân.

Mô hình này là sự hợp tác sản xuất của 6 ngư đội câu cá ngừ đại dương, mỗi ngư đội có 5 “tàu con” và “tàu mẹ” Hải Vương 68 của Công ty cổ phần thủy sản Hải Vương. Các ngư đội này có tên là Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Nam có nhiệm vụ đánh bắt hải sản quanh vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, DK1.

"Tàu mẹ” với công suất 1.200 CV, tổng dung tích 640 tấn, có chiều dài hơn 55m, rộng 8,6m, chiều cao mớm nước 4m, được trang bị hệ thống làm lạnh cấp tốc ở -60o C do vậy có khẳ năng thu mua thủy sản để sơ chế, bảo quản ngay trên biển.

“Tàu mẹ” và các “tàu con” được trang bị máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa và thiết bị vệ tinh (GPS) để thông tin với nhau. Đồng thời, “tàu mẹ” có nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm... để tạo điều kiện cho “tàu con” tiếp tục bám biển dài ngày. Giá cả thu mua và bán nhu yếu phẩm được công ty Hải Vương đảm bảo như ở đất liền.

Ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch hội nghề cá Khánh Hòa phân tích: “Các ngư đội và doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ về tài chính – tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình. Họ chỉ hợp tác với nhau bằng quy trình tổ chức khai thác, thu mua trên biển theo hướng khép kín. “Tàu con” chuyên khai thác và chuyển cá đến “tàu mẹ”; “tàu mẹ” đảm nhiệm công việc thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm... cho các “tàu con” có điều kiện tiếp tục bám biển dài ngày”.

Ông Mai Thành Phúc (ở xã Phước Đồng, Nha Trang), ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng chi phí tiền dầu đi lại, tăng thời gian bám biển thêm 20 ngày đến 1 tháng. Giá cả được cao hơn vì tàu mẹ của công ty Hải Vương mua lại trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo được chất lượng sản phẩm”.

Ông Võ Thiên Lăng cho biết thêm: Trong chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã xác định hoạt động đánh bắt cá phải chuyển từ “nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại”. Việc tổ chức sản xuất theo tổ đội, ngư đội và nghiệp đoàn là một đột phá quan trọng trong khâu tổ chức lại sản xuất trên biển.

Hiện cả nước có 2.000 tổ, đội, ngư đội, nghiệp đoàn sản xuất trên biển. Mô hình tàu mẹ - tàu con sẽ giải quyết về lợi ích và sở hữu của tập thể tổ, đội, ngư đội, nghiệp đoàn sản xuất trên biển. Trong đó Tàu mẹ chính là tàu dịch vụ hậu cần. Mô hình này sẽ tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, phí tổn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng thời gian bám biển, đả bảo an ninh quốc phòng.

Theo www.chinhphu.vn