Bình Thuận: Dân trồng cao su đua nhau sắm xe hơi

Chiếc Toyota giá 510 triệu đồng lướt dọc con đường đá dăm, đâm tụt vào gara một ngôi nhà bề thế sát bên đường làng. Từ trong xe bước ra không phải một ông cao lớn, bụng phệ, comple, càvạt như ta vẫn tưởng mà lại là một anh nông dân áo bỏ ngoài quần, chân tay rám nắng…

Mới ngoài 45 tuổi, nhưng anh Lê Quang Vĩnh (thôn 4, xã Vũ Hòa, Đức Linh) già hơn tuổi rất nhiều. Với giọng nói chân chất, anh Vĩnh kể cho chúng tôi nghe về quá trình lập nghiệp trên vùng đất Đức Linh này.

Là người quê Thái Bình, đầu những năm 80 vợ chồng anh vào Đức Linh lập nghiệp. Chỉ có ít kinh nghiệm, nhưng không có vốn nên hết giờ làm việc ở Công ty cao su, anh lao vào chăm sóc vườn cây tại nhà. Năm 1997, thật không may, anh bị tai nạn mất sức lao động 66% và phải nghỉ việc. Rồi cũng năm đó, hơn 10 ha cao su sắp đến ngày thu hoạch thì cháy mất 6 ha. Nhớ lại những ngày đó, anh vẫn chưa hết bàng hoàng. “Hơn một năm trời nằm trên giường bệnh, các khớp ở tay, chân dường như tê cứng, khiến tôi như một đưa trẻ phải tập đi lại từ đầu. Nhưng sau khi đi lại được, tôi lại vào rẫy làm việc. Bắt đầu từ làm vườn ươm, trồng cây ăn trái, đến nuôi bò, nuôi dê để có vốn đầu tư lại cây cao su” - giọng anh chậm rãi kể. Và đất không phụ công người, giờ đây ông chủ đó nắm giữ hơn 38 ha cao su, trong đó 9 ha đang cho thu hoạch. Để thuận lợi cho công việc làm ăn và đi lại, năm 2008, anh quyết định mua xe hơi. “Từ ngày có xe, quan hệ giao dịch làm ăn dễ dàng hơn. Thỉnh thoảng lại vào Bình Dương, Bình Phước để lấy giống mới và nắm bắt kỹ thuật. Có những lúc chở cả người làm vào Đồng Nai, Lâm Đồng hướng dẫn người dân ở đây trồng cao su. Thông thường lái xe chạy xe trên dưới 200 cây số vẫn không thấy mệt như đi xe máy”- anh bộc bạch.

Anh Trần Đình Chuyền bên chiếc xe du lịch mới mua năm 2010.

Vào thời điểm anh Vĩnh sắm ô tô, nhiều người đã trầm trồ bởi số người sắm được xe đếm trên đầu ngón tay, nhưng bây giờ đã là chuyện bình thường. Cây cao su làm đổi thay cuộc sống của người dân trên vùng đất Đức Linh. Giá cao su đang khá cao. Anh Tô Minh (xã Đức Hạnh) nhẩm tính với giá mủ hiện nay thì mỗi hecta cao su gia đình anh lãi từ 60-70 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những ông chủ này cũng từng khốn đốn vì cây cao su. Anh Trần Đình Chuyền - thôn 6, xã Vũ Hòa cho biết: anh trồng cao su từ năm 1990, Gặp lúc mủ rớt giá, nên anh đã từng phá cao su thay bằng cây khác. Cầm xấp giấy tờ vay nợ ngân hàng ra cho chúng tôi xem, anh cười rồi nói: “Đây chỉ là số ít thôi. Không ít lần cây dịch bệnh, bọn mình hoang mang, lại phải chạy khắp nơi để tìm mua thuốc”. Bây giờ anh có trong tay hơn 8 ha cao su cho thu hoạch, thu nhập hơn 900 triệu đồng/năm. Nói rồi, anh chỉ ra chiếc xe Kia- forte trị giá 540 triệu đồng mới mua năm ngoái, nét mặt ánh lên đôi chút tự hào của người ăn nên làm ra. Anh tiếp tục: “Có chiếc xe tiện lắm. Những ngày cuối tuần hai vợ chồng lại vào TP. Hồ Chí Minh thăm các cháu”.

Theo ông Phạm Văn Lương-Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đức Linh, toàn huyện hiện có khoảng 185 chiếc xe ô tô du lịch. Trong đó, Đức Hạnh, Trà Tân, Tân Hà, Vũ Hòa là những xã có số lượng xe nhiều nhất. Giờ đây không chỉ anh Vĩnh, anh Chuyền… mà 90 hộ nông dân khác cũng sắm cho mình những chiếc: Mazda 6, Camry, Isuzu Trooper, Mitsubishi... Điều này chứng tỏ rằng, đời sống của những chủ điền cao su trên vùng đất Đức Linh đang ngày khá lên.

Nguồn Báo Bình Thuận Online