Bình Thuận: Nhiều cơ sở nước mắm được cấp Bảo hộ chỉ dẫn địa lý

So với các nước trên thế giới, việc thực hiện chỉ dẫn địa lí ở Việt Nam là khá chậm. Riêng tại Bình Thuận, việc thực hiện chỉ dẫn địa lý cũng chỉ mới thực hiện trong vài năm trở lại đây, với 2 sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu là trái thanh long và nước mắm Phan Thiết.

Hiện nay trên địa bàn Phan Thiết có khoảng 200 cơ sở sản xuất nước mắm. Các cơ sở này tập trung chủ yếu ở phường Phú Hài, Thanh Hải và Hàm Tiến, sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 30 triệu lít. Từ năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành khảo sát 150 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước mắm. Qua khảo sát, Sở đã xây dựng mô hình ở 3 doanh nghiệp mẫu là: Doanh nghiệp nước mắm Phan Thiết - Mũi Né; doanh nghiệp tư nhân Mai Hương và Công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết. Đây là 3 doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép về môi trường. Từ kết quả trên, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Bình Thuận đã tổ chức các buổi tập huấn cho 3 doanh nghiệp trên về quy trình kiểm soát chất lượng nước mắm trong sản xuất.

Ảnh: Đ.H

Tiêu chí chung để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Phan Thiết, các cơ sở sản xuất nước mắm phải được kiểm soát theo quy trình sản xuất một cách nghiêm ngặt từ khâu tiếp nhận nguyên liệu - muối cá - chăm sóc chượp - kéo rút - pha đấu - lắng lọc - đóng chai - vào thùng cho đến khi sản phẩm nước mắm lưu thông trên thị trường. Quy trình này, đặc biệt chú trọng đối với các chất phụ gia sử dụng trong quá trình sản xuất phải đảm bảo chất lượng, không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm và phải nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế. Từ thành công của 3 doanh nghiệp mẫu, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lí cho 3 doanh nghiệp trên.

Như vậy sau 2 năm thực hiện chỉ dẫn địa lí trên sản phẩm nước mắm, đến cuối tháng 8/2011 Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy công nhận cho 40 cơ sở sản xuất nước mắm. Trong đó có 36 cơ sở đăng ký sử dụng tem với số lượng trên 2 triệu con tem. Các tổ chức hoặc cá nhân sau khi được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Phan Thiết, sẽ được tham gia vào các chương trình quảng bá chỉ dẫn địa lý. Được sử dụng chỉ dẫn địa lý Phan Thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nước mắm: gắn dòng chữ “nước mắm Phan Thiết” trên hàng hóa, bao bì, giấy tờ giao dịch, nhãn sản phẩm, phương tiện kinh doanh, biển hiệu của cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm của mình.

Đối với các doanh nghiệp nước mắm Phan Thiết khi đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lí đã thấy được lợi ích rõ trong việc kinh doanh. Nước mắm Phan Thiết không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã được xuất khẩu. Hơn thế, các cơ sở sản xuất nước mắm đã trở thành những địa chỉ du lịch, Phan Thiết càng trở nên nổi tiếng nhờ thương hiệu nước mắm được nhiều người biết đến.

Ngoài những lợi ích trên bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó còn giúp các doanh nghiệp có quyền ngăn cấm những người không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, hoặc đối với những sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đã nêu, hoặc loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Xét về khía cạnh pháp lý, Bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mặt khác, bảo hộ chỉ dẫn địa lý để các sản phẩm không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận doanh nghiệp thu được sẽ nhiều hơn trước.

Nguồn Báo Bình Thuận Online