Huyện Thuận Bắc làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội

Không những làm tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, mà huyện Thuận Bắc còn là địa phương nhiều năm liền thực hiện có hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội.

(NTO) Chúng tôi về Thuận Bắc vào đầu tháng 2, khi mà ngày giao quân đợt I năm 2012 đã cận kề. Trong gia đình các thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rộn ràng tiếng nói cười. Chị Nguyễn Thị Lụm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, cho biết: “Năm nào cũng vậy, trước ngày giao quân một tuần, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã, cơ quan, ban, ngành, thành lập đoàn đến động viên, tặng quà cho tân binh và gia đình có người nhập ngũ. Hội Phụ nữ huyện cũng đã chỉ đạo cấp hội cơ sở đến từng nhà 50 thanh niên nhập ngũ trên địa bàn 6 xã gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tặng quà cho các thanh niên”. Những món quà của các tổ chức, đoàn thể gửi đến gia đình tân binh tuy nhỏ, nhưng đã tạo được động lực tinh thần cho thanh niên an tâm lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đáng kể hơn là Đảng ủy các xã Phước Chiến, Bắc Sơn đã gấp rút hoàn thành thủ tục, chỉ đạo chi bộ các thôn tổ chức lễ kết nạp Đảng cho 3 thanh niên ưu tú trúng tuyển nghĩa vụ quân sự: Pinăng Ống (Phước Chiến), Thuận Xuân Trang, Mang Hồ (Bắc Sơn)

Cùng với đó, công tác tiếp nhận quân nhân mới xuất ngũ cũng được huyện quan tâm. Đơn cử như đợt xuất ngũ vào cuối năm 2011, quân nhân vừa về đến địa phương được huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện gặp gỡ, dặn dò quân nhân xuất ngũ phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, ra sức học tập, lao động xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trung úy Trần Hoàng, Ban Chỉ huy quân sự huyện Thuận Bắc, giới thiệu
hồ sơ học nghề miễn phí cho quân nhân mới xuất ngũ

Để tạo việc làm ổn định cho quân nhân xuất ngũ, Ban Chỉ huy quân sự huyện chủ động phối hợp với các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh giới thiệu anh em đến học nghề. Thượng tá Huỳnh Kim Minh, Phó  trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, nhìn nhận: “Chỉ có làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội mới động viên được tinh thần thanh niên hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự. Đó là một trong những nguyên  nhân để địa phương hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu giao quân hằng năm. Ngay như đợt tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đợt này cận kề với đợt II năm 2011, nhưng địa phương vẫn tuyển chọn đủ quân số trên giao với chất lượng cao”.

Điều đáng nói nữa là, quá trình thực hiện chính sách hậu phương quân đội, địa phương chú trọng đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn. Thượng tá Huỳnh Kim Minh, cho biết thêm: So với những nơi khác, thì quân nhân xuất ngũ ở những khu vực trên có trình độ học vấn thấp hơn. Chính vì vậy, để giúp đỡ họ, chúng tôi phân loại từng nhóm đối tượng tư vấn học nghề, tìm việc làm phù hợp. Đối với những quân nhân xuất ngũ tích cực hoạt động xã hội thì đề nghị cấp ủy, chính quyền sắp xếp, bố trí họ tham gia vào các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở để tạo môi trường rèn luyện tu dưỡng đạo đức, phấn đấu học tập vươn lên. Đối với các đối tượng có tâm lý không muốn đi làm ăn xa thì tạo điều kiện cho họ vay vốn phát triển các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và học những nghề xã hội đang cần như xây dựng, sửa chữa xe máy…

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các quân nhân xuất ngũ ở xã Phước Chiến đều có cuộc sống khá ổn định. Đơn cử như anh Pinăng Luận ở thôn Động Thông. Xuất ngũ năm 2009, anh được giới thiệu đi học nghề sửa xe máy. Ra trường, ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, anh đã mạnh dạn mở tiệm sửa chữa xe máy ngay tại quê nhà. Nhờ làm ăn có uy tín, nên hằng ngày bà con đến sửa xe rất đông. Thu nhập từ làm nghề không những đủ sống mà còn có tích lũy. Không ít quân nhân xuất ngũ khác được bố trí làm công an viên, trưởng thôn…, quá trình công tác đã trưởng thành nhanh chóng, hiện đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt ở địa phương .