4,2 tỷ USD cho chiến lược mới của WB tại Việt Nam

Khoản tiền này sẽ tập trung vào tăng cường khả năng cạnh tranh, tính bền vững trong quá trình phát triển và mở rộng điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh tế - xã hội cho Việt Nam.

Chiến lược mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho giai đoạn năm năm tới, kết thúc vào giữa năm 2016, sẽ hỗ trợ những cải cách và các khoản đầu tư được coi là then chốt cho quá trình chuyển đổi thành công của Việt Nam thành một quốc gia thu nhập trung bình.

Trước đó, vào ngày 15/12/2011, Ban Giám đốc Điều hành của Nhóm WB đã thảo luận về Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam (CPS) cho giai đoạn 2012-2016 và phê duyệt các hoạt động đầu tiên theo CPS mới.

CPS sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư, chương trình và tư vấn trong một khuôn khổ chiến lược gồm ba trụ cột và ba chủ đề xuyên suốt. Ba trụ cột gồm có: tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, tăng cường tính bền vững trong quá trình phát triển của Việt Nam, và mở rộng điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh tế - xã hội.

Các chủ đề xuyên suốt gồm có: (i) tăng cường quản trị, (ii) hỗ trợ bình đẳng giới và (iii) tăng cường khả năng chịu đựng khi đối mặt với các cú sốc kinh tế từ bên ngoài, các thảm họa thiên nhiên, và tác động của biến đổi khí hậu.

“Đây là Chiến lược Đối tác Quốc gia đầu tiên của WB với Việt Nam kể từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp vào năm 2009”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói. “Chiến lược mới sẽ kế thừa chiến lược trước đây, đồng thời đưa ra một số thay đổi chiến lược nhằm làm sâu thêm những trọng tâm mang tính chiến lược trong chương trình của WB, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, và mang lại kết quả phát triển nhanh hơn".

Trong giai đoạn CPS mới, phân bổ dự kiến từ nguồn vốn ưu đãi của WB, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), để hỗ trợ Việt Nam là khoảng 2,8 tỷ SDR (tương đương 4,2 tỷ USD). Đây sẽ là lượng vốn IDA được phân bổ lớn nhất cho Việt Nam từ trước đến nay, phản ánh hiệu quả hoạt động của Việt Nam cũng như việc tăng tổng thể nguồn IDA. Việt Nam cũng sẽ có thể truy cập nguồn IBRD (Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển), dự kiến khoảng 770 triệu USD đến giữa năm 2014.

Chiến lược cũng nhấn mạnh một số thách thức đối với đất nước, gồm duy trì mức tăng trưởng cao với bình ổn kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên hợp lý, giải quyết đói nghèo dai dẳng ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa, và đạt kết quả phát triển nhanh hơn.

Để giải quyết những thách thức này, CPS được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011-2020, tập trung vào cải cách cấu trúc, bền vững môi trường, bình đẳng xã hội và những vấn đề mới nổi lên trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô.

Kể từ năm 1993 khi quay lại Việt Nam, WB đã cung cấp gần 14 tỷ USD các khoản tín dụng, vốn vay và viện trợ để giúp đất nước duy trì tăng trưởng và chống lại đói nghèo.

Ba hoạt động được Ban Giám đốc Điều hành của WB phê duyệt ngày 15/12/2011 sử dụng tín dụng IDA với tổng giá trị là 457 triệu USD: 150 triệu USD cho chương trình Tín dụng Hỗ trợ Giảm nghèo 10 (PRSC 10), 210 triệu USD cho Dự án Phát triển thành phố hạng trung và 97 triệu USD là tài chính bổ sung cho Dự án Giao thông Nông thôn 3.

Ba khoản tín dụng IDA có thời gian trả nợ là 25 năm và 5 năm ân hạn.

Nguồn Báo điện tử Đài TNVN