Gió mới từ đồng muối Ninh Thuận

Chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang công nghệ trải bạt trên nền ô kết tinh là phương pháp tốt nhất hiện nay, mang lại năng suất, chất lượng cao…

Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bờ biển dài hơn 105 km, nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng, gió… Đó là những đặc điểm tạo cho Ninh Thuận hàng trăm năm nay trở thành vùng sản xuất muối qui mô lớn nhất nước, được coi là thủ phủ muối của miền Nam. Ấy thế nhưng nhiều năm qua, sự phát triển của nghề làm muối ở đây đã không tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh tế. Quanh năm suốt tháng diêm dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng đời sống vẫn bấp bênh. Để nghề muối phát triển bền vững, người làm muối có thể yên tâm sống bằng nghề, mới đây tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm muối.

Công nghệ mới- bước đột phá nghề muối

Về Ninh Thuận, thủ phủ của muối những ngày này, chúng tôi nghe một thông tin gây sốc: Đồng muối Cà Ná hơn 100 năm tuổi sắp trở thành khu công nghiệp. Đối với những ai đã gắn bó với Ninh Thuận, không khỏi đặt câu hỏi: đồng muối Cà Ná không còn, hàng trăm hộ diêm dân đi đâu?

Gặp anh Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, anh cho biết đúng là Cà Ná đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để trở thành khu công nghiệp. Vì sau khi tính toán, một khu công nghiệp Cà Ná sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là một đồng muối Cà Ná đã già cỗi.

Đồng muối sử dụng công nghệ kết tinh trên bạt- trải bạn che mưa của Công ty TNHH Hạ Long tại huyện Thuận Nam

Trừ Cà Ná, hiện tổng diện tích làm muối trên toàn tỉnh kể cả qui hoạch khoảng 4.500 ha, trong đó có 2000 ha làm muối hiện hữu, đủ cung cấp 40% muối cho cả nước. Trong tương lai, diện tích muối của tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2500 ha nữa. UBND tỉnh đã có phương án giải quyết việc làm cho các hộ diêm dân ở đây bằng các hình thức, mô hình sản xuất tiên tiến hơn, như liên minh làm muối giữa doanh nghiệp và bà con diêm dân, trong đó doanh nghiệp làm hạt nhân, giúp diêm dân vốn, công nghệ sản xuất muối chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm. Do vậy bà con diêm dân chớ lo.

Quả thực để nghề muối đi lên, cần có một tư duy mới, một luồng gió mới thổi vào nghề muối địa phương. Nếu vẫn cách làm muối thủ công, cho nước biển vào ruộng để kết tinh muối trên đất, kết tinh ngắn ngày, sản phẩm muối sẽ rất nhiều tạp chất, chất lượng không cao. Nghề muối lại là cái nghề vất vả không kém gì nghề trồng lúa, trông chờ vào thiên nhiên. Năm nào nắng đều đều thì sản lượng khá, nếu mưa rải đều là mất vụ muối như chơi. Rồi cái nghịch lý “ được mùa mất giá, mất mùa được giá “ cứ trở đi trở lại dài dài.

Để giải quyết tình trạng bấp bênh đó, mấy năm nay tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu ngành muối theo hướng tăng dần tỷ trọng muối công nghiệp. Đột phá đầu tiên phải kể đến là việc triển khai dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ qui mô hơn 3.000 ha cùng dự án khu liên hợp chế biến các sản phẩm muối cao cấp và muối I ốt qui mô 40 ha của Công ty TNHH đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long.

Hai dự án này khởi công từ năm 2009 với số vốn đầu tư 340 tỷ đồng, đến nay đã đưa hơn 500 ha khu phía Đông đồng muối Quán Thẻ vào sản xuất muối công nghiệp, đạt gần 20.000 tấn muối công nghiệp một năm. Song song đó, dây chuyền sản xuất muối cao cấp và muối I ốt công suất 100 ngàn tấn/ năm đi vào hoạt động ổn định, bước đầu sản xuất 16 ngàn tấn muối tinh/ năm. Hạt muối của công ty trắng trong, đạt các tiêu chuẩn lý, hóa, không thua kém muối nước ngoài.

Dây chuyền sản xuất muối tinh của Công ty TNHH Hạ Long tại huyện Thuận Nam

Trong khi 1 tấn muối công nghiệp giá chỉ khoảng 800.000 đồng, thì 1 tấn muối tinh của công ty bán với giá gấp 3 lần mà rất dễ tiêu thụ. Công ty đã giải quyết công ăn việc làm cho 300 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. "Với công suất thiết kế đạt 450 đến 500 ngàn tấn muối công nghiệp/1 năm của dự án, chúng tôi đảm bảo không chỉ đáp ứng ½ sản lượng muối toàn quốc, mà còn giải toả bức xúc về muối công nghiệp nhiều năm qua, góp phần ổn định thị trường muối, giảm bớt và giảm hoàn toàn việc nhập khẩu muối, đáp ứng nhu cầu muối sạch, muối I ốt , muối tiêu dùng toàn quốc" - ông Nguyễn Đức Phấn, Phó giám đốc Công ty nói.

Năm tới công ty lên kế hoạch sản xuất 30.000 tấn muối công nghiệp, chế biến 25.000 tấn muối tinh đưa ra thị trường. Dự kiến sau khi đưa khu phía tây đồng muối Quán Thẻ vào sản xuất, công ty sẽ thu nhận thêm 900 lao động nữa.

Tiếp theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất muối của tỉnh như Công ty Cổ phần Muối Ninh Thuận, Công ty TNHH Muối Đầm Vua cũng được đầu tư kỹ thuật mới, triển khai công nghệ trải bạt, che mưa để sản xuất muối theo hướng hiện đại, kết tinh dài ngày, vừa có năng suất cao, lại chất lượng hiệu quả. Đến nay, Công ty cổ phần muối Ninh Thuận đã đầu tư 15 tỷ đồng ứng dụng công nghệ trải bạt với diện tích gần 10 ha tại đồng muối Tri Hải và đã sản xuất được hơn 1.000 tấn muối chất lượng cao. Anh Lê Quang Trí, Phó Giám đốc Xí nghiệp muối Tri Hải cho biết: Để đáp ứng muối cho sản xuất công nghiệp, bắt buộc phải đầu tư chiều sâu. Hiện nay công ty chúng tôi đi vào sản xuất muối kết tinh trên bạt, nghiên cứu muối phủ bạt che mưa, sản xuất dài ngày từ 30 đến 60 ngày. Sản phẩm muối sản xuất trên bạt ít tạp chất, , được các đơn vị sử dụng muối quan tâm đặt hàng

Hiệu quả nhỡn tiền từ công nghệ làm muối tiến tiến của các doanh nghiệp đã tác động tích cực đến diện mạo nghề muối trong tỉnh. Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải đã thu hút nhiều hộ diêm dân tham gia. Qua mô hình này, chất lượng muối được nâng cao; năng suất tăng thêm 15% và giá tiêu thụ cao hơn 10% so với cách sản xuất truyền thống của diêm dân địa phương. Từ kết quả trên, nhiều hộ diêm dân trong tỉnh đã tự đầu tư hàng trăm triệu đồng để sản xuất muối theo mô hình tiên tiến này.

Bà Trần Thị Tân, diêm dân thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải có 5 ha đất làm muối. Thấy rõ hiệu quả của muối sản xuất theo phương pháp kết tinh trên bạt, bà đã mạnh dạn vay vốn để chuyển sang hình thức này, nhưng nay mới chỉ thực hiện được 2 ha diện tích sản xuất theo công nghệ mới.

Rõ ràng, muốn phát triển bền vững, cải thiện đời sống, bà con diêm dân không còn đường nào khác là phải chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng công nghệ trải bạt trên nền ô kết tinh là phương pháp tốt nhất hiện nay, mang lại năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề là phải có vốn, có công nghệ.

Liên minh sản xuất muối: mô hình phát triển bền vững

Năm nay, sản lượng muối của diêm dân Ninh Thuận khá cao, trong số hơn 168.000 tấn muối thu được từ niên vụ 2011, muối diêm dân đạt hơn 67.800 tấn. Đầu vụ giá muối tương đối thấp so với năm trước, muối diêm dân từ 250 đến 300 đồng/kg, trong khi muối công nghiệp giá 400 đến 500 đồng/ kg, gần cuối vụ giá muối đã nhích lên và ổn định, muối diêm dân hiện có giá từ 500 đến 600 đồng/kg, muối công nghiệp từ 700 - 800 đồng/kg. Theo tính toán, giá thành sản xuất một tấn muối của diêm dân khoảng từ 200 đến 220.000 đồng. Với "đầu vào" và "đầu ra" như vậy, nếu không có biến động về giá do tư thương thao túng, đời sống chung của bà con diêm dân ở Ninh Thuận và công nhân ở các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp hẳn đã khá hơn so với những năm trước đây.

Sản phẩm muối công nghiệp tại kho chứa của Công ty TNHH Hạ Long

Từ đó cho thấy, công tác quản lý trong lưu thông muối, tăng lượng dự trữ quốc gia, hạn chế nhập khẩu muối để góp phần bình ổn giá của các cơ quan chức năng là quan trọng như thế nào.

Đó là yếu tố khách quan. Còn về chủ quan, muốn phát triển bền vững, cải thiện đời sống, chính bà con diêm dân phải dũng cảm từ bỏ cách làm muối thủ công, đầu tư công nghệ mới. Việc này liên quan đến nguồn vốn. Như bà Trần Thị Tân cho biết ở trên, trung bình đầu tư công nghệ trải bạt cho một ha sản xuất muối phải chi phí ít nhất 500 triệu đồng. Bà con diêm dân nghèo rất khó mà tìm được nguồn vốn cao như vậy. Do đó, ngoài các chính sách hỗ trợ vốn sản xuất cho bà con diêm dân chuyển đổi sản xuất thì mô hình liên minh sản xuất muối trong đó bà con diêm dân có thể góp đất, góp vốn tuỳ theo khả năng của mình là có tính khả thi. Dần dần, sẽ hình thành các đồng muối lớn, làm ăn công nghiệp, trong đó bà con diêm dân trở thành các cổ đông, công nhân muối công nghiệp….

Bài toán nghề muối ở Ninh Thuận đã có lời giải, vấn đề là các điều kiện cần và đủ sẽ được lập trình như thế nào.

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Ninh Thuận sẽ mở rộng đồng muối trong tỉnh lên gần 5.000 ha, sản xuất mỗi năm hơn 600.000 tấn muối công nghiệp, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động ở địa phương... Tiềm năng sản xuất muối và công nghiệp chế biến từ muối ở Ninh Thuận vẫn còn rất lớn. Vì vậy, Ninh Thuận cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến, triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến muối và các sản phẩm sau muối; cũng như chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chế biến muối. Có như vậy, Ninh Thuận mới phát huy được lợi thế sản xuất muối ở địa phương, góp phần bảo đảm nhu cầu muối công nghiệp cho cả nước./.

Nguồn Báo điện tử Đài TNVN