Cần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến quốc lộ 27B

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 27B do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, tổng nguồn vốn 140,5 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài hơn 52 km, điểm đầu tiếp giáp với quốc lộ 27, tại km 238+996, thuộc địa bàn thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), điểm cuối tiếp giáp với quốc lộ 1A, tại km 1515+900, thuộc địa bàn thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa).

(NTO) Khởi công vào đầu năm 2008, dự kiến thi công trong vòng 1 năm, nhưng đến nay chỉ mới gói thầu R1 và R5 có chiều dài hơn 20 km ở đoạn đầu và đoạn cuối đã hoàn thành. Riêng gói thầu R2, R3, R4 có chiều dài 30 km, đi qua địa bàn xã Phước Thắng, Phước Đại, Phước Thành, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 703 thi công xong, nhưng chưa được nghiệm thu do không đạt yêu cầu kỹ thuật và chất lượng.

Nhiều đoạn trên QL27B vừa sửa chữa xong lại xuống cấp.

Đi trên tuyến đường này, khi đến km16, mặt đường xuất hiện nhiều hố sâu đầy nước. Cả một đoạn dài khoảng 2 km chi chít “ổ gà” “ổ voi” khiến cho việc đi lại của các phương tiện và người dân hết sức khó khăn.

Tình trạng càng xấu hơn ở km20 đến km21+530, đoạn đi qua trung tâm huyện Bác Ái. Rất nhiều mảng thảm nhựa vừa vá xong bị bong lật từng tảng nham nhở. Các phương tiện giao thông vì tránh những hố sâu mà leo lên rãnh thoát nước hai bên lề làm cho hàng loạt tấm đan bị vỡ nát.

Khi đến km24+500, người đi đường mới thực sự ngán ngẩm. Tại đây không những “ổ gà”, “ổ voi” mà có nơi nước ngầm chảy luồn qua nền móng, tràn ngược lên đường, làm cho mặt thảm nhựa bị rạn nứt. Điều đáng nói là, mặc dù nhà thầu đã khắc phục nhiều lần, nhưng sau đó ô-tô chạy qua lại nghiền nát, khoét thành các hố sâu. Đồng chí Pinăng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: “Đường xuống cấp nghiêm trọng, không được khắc phục dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân. Đã có nhiều tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường này”.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, nguyên nhân dẫn đến công trình kém chất lượng một phần do thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Nhiều chỗ vừa khắc phục xong, mặt đường chưa kịp ổn định, xe quá tải chạy qua nghiền nát trở lại. Trong khi đó, theo một số người làm chuyên môn, nguyên nhân sâu xa dẫn đến công trình kém chất lượng là do đá mi dùng trộn nhựa pha lẫn nhiều tạp chất (bùn, cát) làm rạn nứt, bong lật bề mặt thảm nhựa. Đơn vị thi công cũng đã dự tính mua đá mi từ nơi khác về thay thế đá mi đang sử dụng hiện nay nhưng chi phí vận chuyển quá cao.

Trước những khó khăn như vậy, đơn vị chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tập trung huy động máy móc, thiết bị, các nguồn vật tư để sửa chữa khắc phục những đoạn bị hư hỏng. Đồng chí Phạm Văn Đình, Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông tỉnh (Sở Giao thông vận tải), cho biết: “Chúng tôi chia sẻ những khó khăn với nhà thầu khi phải thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, địa chất phức tạp. Nhưng nhà thầu phải thực hiện đúng theo cam kết. Đến ngày 31-12-2011, nếu nhà thầu không hoàn thành, tổ chức nghiệm thu đưa đoạn đường vào sử dụng thì chúng tôi sẽ báo cáo với Bộ Giao thông vận tải, chấm dứt hợp đồng, xử lý theo quy định của pháp luật”.