Báo động vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Bảo đảm an toàn cho hành lang lưới điện luôn là vấn đề cấp bách của ngành Điện lực cũng như đối với toàn xã hội. Những tai nạn thương tâm và sự cố về lưới điện gây thiệt hại lớn đã xảy ra trong nhiều năm qua, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: xây dựng các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) , tai nạn do leo trèo bị phóng điện…

(NTO) Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 57 vụ vi phạm HLATLĐ cao áp, trong đó một người bị chết; riêng từ đầu năm đến nay là 4 vụ. Điển hình là trường hợp anh Kiều Duy Quang, thường trú ở thôn Lạc Tiến 3, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, trèo lên trụ điện Vba/019, thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná (Thuận Nam) để bắt tổ chim ở trên đỉnh trụ, đã bị điện áp 22 kV phóng vào người, rơi xuống đất và bị bỏng toàn thân.

Và gần đây nhất lại xảy ra 1 trường hợp bị bỏng nặng, do vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện cao áp tại trụ 471NS/024 – 471NS/025 thuộc tuyến 471 Ninh Sơn (khu phố 3, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn). Nạn nhân là anh Huỳnh Ngọc Dân, làm thợ hồ, trong khi đang thi công xây dựng nhà đã để thanh nhôm chạm vào đường dây 22kV, gây phóng điện, làm bật máy cắt 471 trạm 110kV Ninh Sơn. Hậu quả, anh Dân bị bỏng nặng hai bàn tay và chân trái. Mặc dù trước đó ngành Điện đã xuống làm việc với chủ hộ, lập biên bản vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện và cảnh báo sự mất an toàn, nguy hiểm do mái nhà quá gần với đường điện cao áp, song do chủ quan nên tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra.

Hệ thống dây dẫn điện, điện thoại chằng chịt!

Những tai nạn thương tâm này như một hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm HLATLĐ cao áp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Những năm qua, ngành điện cùng các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện giải toả các trường hợp vi phạm HLATLĐ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và an toàn lưới điện. Tuy nhiên tình trạng vi phạm này trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại và khó khăn trong việc xử lý.

Hiện nay, Công ty Điện lực tỉnh đang quản lý 859,4 km đường dây trung áp đang vận hành ở cấp 22kV; 1.409 trạm biến áp phân phối, với tổng dung lượng 166.120 kVA. Do địa bàn quản lý rộng lớn, đa số là trong khu vực dân cư nên việc thực hiện công tác bảo vệ HLATLĐ gặp không ít khó khăn.

Nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên toàn Công ty nên trong 5 năm qua, đã xử lý giảm được 928/960 trường hợp vi phạm HLATLĐ và không để tồn tại các trường hợp vi phạm phát sinh. Hiện tại trên phạm vi lưới điện chỉ còn 32 trường hợp vi phạm chưa giải quyết dứt điểm. Trong đó lỗi chủ yếu là nhà, công trình không đảm bảo khoảng cách quy định với dây dẫn điện, kết cấu nhà và công trình không đủ điều kiện tồn tại trong HLATLĐ… Nguyên nhân dẫn tới hành vi vi phạm HLATLĐ là do người dân chưa hiểu rõ quy định về việc bảo vệ an toàn lưới điện. Nhiều người chủ quan, không lường trước tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi xây dựng nhà, công trình quá gần công trình điện cao áp.

Để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và an toàn lưới điện, những năm qua ngành điện không ngừng tập trung thực hiện toàn diện nhiều biện pháp xoá bỏ, ngăn chặn tình trạng vi phạm HLATLĐ như: Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ HLATLĐ, các nguyên tắc an toàn trong sử dụng điện; xử lý các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nguyên Hưng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh: “Vấn đề giải quyết bảo đảm HLATLĐ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực và kiên quyết hơn nữa của cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương”.

 Theo quy định, chính quyền địa phương là đơn vị có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử lý như: Xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm HLATLĐ. Ngành điện chỉ thực hiện chức năng quản lý, vận hành lưới điện, tiến hành kiểm tra, phát hiện những điểm vi phạm HLATLĐ để báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm làm cơ sở cho việc giải quyết, xử lý tiếp theo.  Có một thực tế, tại các điểm vi phạm HLATLĐ thì đa số là do ngành điện chủ động di chuyển đường dây điện có vi phạm trong quá trình cải tạo lưới điện. Giải pháp này tuy mang lại kết quả nhưng không thể triển khai lâu dài được, bởi tình trạng người dân cứ tiếp tục vi phạm HLATLĐ rồi ngành điện lại phải đầu tư kinh phí, công sức di chuyển đường dây điện.

Để xoá bỏ được tình trạng vi phạm HLATLĐ cao áp, người dân không còn phải sống nơm nớp lo sợ nguy cơ tai nạn điện đe doạ đến tính mạng, tài sản, ngành điện rất cần sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về HLATLĐ và xử lý kiên quyết với các trường hợp vi phạm.