Đảm bảo an toàn cho bác sỹ cấp cứu

Y, Bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện tỉnh là những người thường xuyên chịu áp lực công việc để dành lại sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là sự an toàn của chính họ lại thường xuyên bị đe dọa khi nạn hành hung bác sĩ tại các bệnh viện cứ tái diễn.

(NTO) Nhiều kiểu hành hung

Khoảng 20h30 ngày 15-7, chúng tôi nhận được điện thoại của người nhà một bệnh nhân giọng gấp gáp, khẩn thiết: Nhà báo ơi! Ông già em bị tai nạn giao thông được chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhưng do cấp cứu không kịp thời nên ổng chết rồi.

Có không ít trường hợp người nhà bệnh nhân "vây" lấy Bác sĩ như thế này.

Có mặt tại phòng cấp cứu chúng tôi nhận thấy có rất đông người đứng trước cổng Bệnh viện bàn tán xôn xao. Bên trong, lực lượng bảo vệ và cảnh sát đứng chặn các lối đi. Tại phòng cấp cứu người nhà bệnh nhân đang vây lấy một số cán bộ y tế đôi co, cãi vã. Cạnh đó thi thể bệnh nhân vẫn nằm trên giường bệnh... Bức xúc, cho rằng bác sĩ không quan tâm chăm sóc kịp thời, dẫn đến cái chết của người thân, nên các thành viên trong gia đình đã lớn tiếng chửi bác sĩ và dọa đòi đánh. Rất may là lực lượng bảo vệ đã kịp thời ngăn lại, cùng sự khuyên can của lãnh đạo bệnh viện và các nhân viên y tế, nên sự việc dần lắng xuống. Khi hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của người thân là do bị dập phổi, bệnh nguy kịch không thể cứu chữa được dẫn đến tử vong thì người nhà bệnh nhân mới đồng ý làm thủ tục đưa thi thể về mai táng.

Sự việc người nhà bệnh nhân đe dọa, hành hung cán bộ y tế ở Bệnh viện tỉnh xưa nay không phải hiếm. Ngoài áp lực công việc, đội ngũ y, bác sĩ ở đây luôn phải đối mặt với sự nguy hiểm từ phía người nhà bệnh nhân sau mỗi ca bệnh nặng nguy kịch, nhất là những trường hợp cấp cứu không thành.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lợi, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện tỉnh cho biết: Nhiều bệnh nhân và người nhà của họ khi đến đây đều muốn được ưu tiên cấp cứu ngay. Trong khi đó vào giờ cao điểm, rất đông bệnh nhân nhập viện. Là bác sĩ chúng tôi luôn cảm thông với người nhà bệnh nhân là lo lắng cho sức khỏe của người thân, nhưng có trường hợp đòi hỏi quá đáng, không hiểu hết những khó khăn, vất vả, căng thẳng và chịu nhiều áp lực...”

Trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 80 đến 120 ca nhập viện. Những trường hợp bệnh nhân cấp cứu là trường hợp bệnh nặng, tai nạn bất ngờ, đủ mọi thành phần, trong đó chủ yếu như tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt. Có không ít trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông do uống rượu bia, có trường hợp là thanh niên diện “xã hội đen” bị thương do gây gổ đánh nhau, khi đến đây trong tình trạng dễ bị kích động. Chỉ cần y, bác sĩ hơi sơ sót thì lập tức sẽ bị gây sự, không ít trường hợp bị hành hung.

Mặc dù không thống kê đầy đủ nhưng tại Bệnh viện tỉnh vẫn còn lưu giữ khá nhiều hình ảnh thông qua hệ thống camera tự động về những vụ gây rối, hành hung bác sĩ. Có trường hợp 7 người đóng cửa phòng khám hành hung một bác sĩ nha khoa, có trường hợp người nhà bệnh nhân cầm cổ áo hăm dọa, lăng mạ bác sĩ, và gần đây có trường hợp người nhà của bệnh nhân mặc áo vệ sĩ mang súng xịt hơi cay vào “quậy” trong bệnh viện, khiến đội ngũ y, bác sĩ phải một phen hú vía. Riêng chuyện băng nhóm thanh niên gây gổ, đánh nhau bị thương rồi tìm tận vào bệnh viện để thanh toán đối phương vẫn thường diễn ra. Cá biệt có trường hợp đêm khuya, dân nghiện cầm kim tiêm trên tay xông vào phòng cấp cứu xin kim tiêm để chích ma túy…

Ai bảo vệ bác sĩ ?

Để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ, bên cạnh lực lượng bảo vệ của bệnh viện trực 24/24 thì từ năm 2010, Bệnh viện tỉnh phải thuê lực lượng vệ sĩ để bảo vệ tại các điểm dễ xảy ra tình trạng mất trật tự, nhất là tại Khoa Cấp cứu. Bệnh viện tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho y, bác sĩ kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân, nâng cao y đức trong quá trình khám, chăm sóc và điều trị bệnh. Thường xuyên lấy ý kiến góp ý của bệnh nhân về cung cách phục vụ, cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Ban giám đốc để nhận phản hồi của người dân.

Tuy nhiên để khắc phục tình trạng hành hung cán bộ y tế tại bệnh viện như hiện nay, cần có một lực lượng đủ mạnh để bảo vệ cho cán bộ và nhân viên y tế, nhất là vào thời điểm ban đêm. Làm tốt công tác tuyên truyền cho người bệnh hiểu và chấp hành các quy định về khám, chữa bệnh tại bệnh viện, nhất là tại Khoa Cấp cứu. Bên cạnh đó, về lâu dài cần tăng cường thêm y, bác sĩ cho bộ phận cấp cứu để vừa giảm tải áp lực công việc, vừa đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh. Có như vậy bác sĩ trực ở Khoa Cấp cứu mới yên tâm công tác, mang lại sức khỏe cho người bệnh.