TRAO ĐỔI

Tuổi trẻ với văn hóa ứng xử

Ứng xử là biểu hiện của sự giao tiếp giữa người này với người khác thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói trong mối quan hệ giữa con người với nhau.

(NTO) Hành vi ứng xử có hai loại: Ứng xử có văn hóa và ứng xử vô văn hóa. Hành vi ứng xử văn hóa là những biểu hiện hoạt động bên ngoài của con người, được thể hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với những người chung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi cá nhân trong xã hội. Hành vi ứng xử văn hóa của tuổi trẻ được coi là các giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ được thể hiện thông qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của mỗi cá nhân đó, với những người chung quanh, trong học tập, công tác, với bạn bè cùng trang lứa và thậm chí ngay cả với chính bản thân mình. Tuổi trẻ ngày nay phần đông là những con người năng động, có kiến thức rộng, sống có hoài bão và lý tưởng, đồng thời không ngừng học hỏi vươn lên để dựng xây đất nước. Nhìn chung họ có những cách ứng xử tích cực, phù hợp với truyền thống, đạo lý dân tộc, có trách nhiệm với xã hội, với chính bản thân mình.

Bên cạnh những biểu hiện của hành vi ứng xử có văn hóa, hiện nay vẫn còn một bộ phận trong giới trẻ có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Ðối với bản thân họ không có ý chí phấn đấu, sống buông thả, sa đà vào các tệ nạn xã hội: cờ bạc, ma túy, mại dâm... Ðây hoàn toàn là những biểu hiện của nếp sống xa lạ, sai trái, đi ngược với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc. Hiện tượng các bạn trẻ, thậm chí là học sinh THPT văng tục, chửi thề; ngang nhiên vi phạm luật lệ giao thông; có thái độ không đúng mực với người lớn tuổi; hành động thiếu văn hóa nơi công cộng... còn khá phổ biến.Trong bối cảnh xã hội hiện nay chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này.

Việc giáo dục hành vi ứng xử có văn hóa cho giới trẻ cần được quan tâm đúng mức. Chúng ta cần có những biện pháp thích hợp nhân rộng, tuyên dương những hành vi ứng xử đẹp tuân theo các chuẩn mực, vừa phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống của người Việt Nam, vừa phù hợp với các chuẩn mực của xã hội hiện đại. Muốn vun đắp hành vi ứng xử đạo đức, lối sống trong giới trẻ, trước hết cần tác động một cách phù hợp vào nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của giới trẻ, để họ từng bước nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, hình thành niềm tin và có những hành vi ứng xử đẹp trong cuộc sống. Cần nêu những tấm gương gần gũi như bạn bè, người thân, bạn bè cùng trang lứa, để tác động vào nhận thức, tình cảm và khơi dậy lòng tự trọng của họ; tổ chức các Diễn đàn thanh niên nói về lối sống đẹp, sống có ích, sống có văn hóa... điều chỉnh những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nảy sinh trong những mối quan hệ xã hội. Việc các luồng văn hoá phương Tây tràn vào Việt Nam, tiếp đó là sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đã khiến cho các bạn trẻ ngày càng có điều kiện được bộc lộ cái “tôi” của mình mà quên rằng, văn hoá phương Tây có nhiều điểm khác biệt với văn hoá Việt Nam chúng ta. Mặt khác, các bậc làm cha, làm mẹ họ quá mải mê và gần như dồn hết thời gian cho việc mưu sinh nên việc giáo dục con cái ủy thác cho nhà trường và xã hội. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự hư hỏng của giới trẻ.

Nếu các bậc cha mẹ có sự quan tâm đúng mực, tạo cho các cháu môi trường sống lành mạnh cả về tâm hồn lẫn thể chất, xây dựng cho chúng một ý thức sống có văn hóa, thử hỏi làm sao các cháu sa vào những cạm bẫy của xã hội và chắc chắn các cháu sẽ là những công dân tốt, sống có văn hóa, có trách nhiệm với chính mình và với xã hội.