“Cánh cửa” việc làm mở rộng đối với bộ đội xuất ngũ

Trung tuần tháng 8, có 433 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Đây là số bộ đội nhập ngũ tháng 2-2010, được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về đào tạo nghề. “Cánh cửa” việc làm sau khi xuất ngũ vì thế đang mở rộng với họ.

(NTO) Trước khi xuất ngũ, các quân nhân được các đơn vị như Sư đoàn Bộ binh 2 (đóng ở huyện An Khê, tỉnh Gia Lai); BCH Quân sự tỉnh; BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh… phối hợp với các trường dạy nghề tư vấn, định hướng, đào tạo nên hầu hết bộ đội xuất ngũ chọn được nghề phù hợp với sở trường.

Các quân nhân tại ngũ tham gia học nghề điện dân dụng tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Thuận.
Ảnh: CTV

Trung tá Bùi Trung Tịnh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 896 (BCH Quân sự tỉnh), cho biết: “Đơn vị luôn coi trọng việc định hướng nghề, giúp chiến sỹ chọn được nghề đúng với năng lực, sở trường của mình để theo học. Bộ đội xuất ngũ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về đào tạo nghề theo Quyết định 121/2009/QĐ-TTg, ngày 23-11-2009, của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi người được cấp một thẻ “Đào tạo nghề” ngắn hạn, bằng 12 tháng lương, có giá trị trong vòng 1 năm. Trung tá Phạm Văn Đức, Phó ban Quân lực BCH Quân sự tỉnh, cho biết, hình thức đào tạo nghề theo thẻ đáp ứng được nguyện vọng của bộ đội xuất ngũ. Cầm tấm thẻ “Đào tạo nghề” trong tay, anh Đỗ Văn Hòa, ở phường Phủ Hà (Phan Rang-Tháp Chàm), trước ở Sư đoàn Bộ binh 2, nói: “Nhà tôi thuộc diện nghèo. Cha, mẹ sức khỏe yếu, các em còn nhỏ. Nếu không có ưu tiên của Nhà nước khó mà đi học nghề. Với tấm thẻ này, tôi sẽ học lái xe. Đây là nghề tôi thích, ra trường dễ tìm việc làm”. Còn anh Lê Chí Lập, ở xã Phước Hữu, Ninh Phước, trước ở BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: “Tôi chọn học điện dân dụng vì đây là nghề xã hội đang cần. Sau này ra trường có thể làm ở các nhà máy, xí nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động”.

Bắt đầu từ ngày 15-9, Trường Trung cấp Nghề Ninh Thuận sẽ tiếp nhận bộ đội xuất ngũ có nhu cầu vào học. Học viên được bố trí nơi ăn, ở và giới thiệu việc làm sau khi ra trường. Hiện nhà trường đang nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là đa dạng các ngành, nghề như: kỹ thuật nề, kỹ thuật may, lái xe, hàn, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, tin học văn phòng…

Phước Hữu (Ninh Phước) là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Đồng chí Huỳnh Xuân Lý, Chỉ huy trưởng BCH quân sự xã, cho biết: “Trong số 32 chiến sĩ xuất ngũ vào tháng 1-2011, có 2 người vừa thi đậu vào đại học, còn lại đều đi học nghề. Số bộ đội xuất ngũ vào tháng 8 vừa rồi đang làm thủ tục nhập học. Hầu hết bộ đội xuất ngũ trước đó có công ăn việc làm ổn định. Nhiều người đang công tác trong cơ quan nhà nước như anh Nguyễn Kiều Vinh, cán bộ Phòng Nội vụ; Lê Hồng Phúc, Phòng Công Thương huyện Ninh Phước… Không ít người sau khi học nghề ở Tp. Hồ Chí Minh, về nhà làm việc có thu nhập cao. Anh Đỗ Chí Toàn, xuất ngũ năm 2008, bộc bạch: “Sau khi xuất ngũ tôi đã học lái xe. Ra trường vay mượn của người thân, bạn bè cộng với số tiền 9 triệu đồng của Nhà nước trợ cấp sau xuất ngũ, tôi mua xe tải tự lái. Hiện tại làm ăn rất thuận lợi”.

Nhìn chung công tác chăm lo dạy nghề và tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, qua đó hàng trăm người đã có việc làm. Chỉ tính riêng Chương trình Dạy nghề cho bộ đội tại ngũ, giai đoạn 2005-2010, theo Quyết định 9237/QĐ-UBND, ngày 29-12-2004, của Chủ tịch UBND tỉnh, đã đào tạo nghề cho 600 học viên. Trong đó có 108 học viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có 538 học viên được công nhận tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ nghề: sửa chữa xe máy (98 học viên), tin học văn phòng (194 học viên), điện dân dụng (153 học viên), kỹ thuật hàn (21 học viên), kỹ thuật nề (72 học viên).

Qua khảo sát, trong tổng số 455 bộ đội xuất ngũ đã được đào tạo nghề, có 57 người đang làm việc trong các khu công nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh; 21 người đang tiếp tục học trung cấp, cao đẳng, đại học; 112 người đang công tác tại UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh và 137 người chuyển chế độ ở lại phục vụ trong quân đội và quản lý các lớp dạy nghề. Kết quả trên cho thấy, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm của tỉnh đã giúp bộ đội xuất ngũ có cuộc sống ổn định, qua đó động viên khích lệ thanh niên an tâm lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.