CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh

Ngày 29-8, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay – chân – miệng trên địa bàn tỉnh. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

Tình hình bệnh tay –chân – miệng đang diễn biến bất thường. Theo thông báo của Bộ Y tế, tính đến tháng 8 năm 2011, cả nước ghi nhận 32.588 trường hợp mắc bệnh tay –chân – miệng tại 52 tỉnh, thành phố trong đó có 81 trường hợp tử vong.

Tại Ninh Thuận tính đến ngày 21-8-2011 đã có 205 trường hợp mắc, 1 trường hợp chết. Bệnh phân bố ở Phan Rang-Tháp Chàm có 44 trường hợp mắc, 1 trường hợp chết; huyện Ninh Hải 50 trường hợp mắc; Ninh Sơn 45 trường hợp mắc; Thuận Nam 42 trường hợp mắc; Ninh Phước 20 trường hợp mắc; Thuận Bắc 4 trường hợp. Hiện nay tình hình bệnh tay –chân – miệng đang diễn biến phức tạp. Ngành Y tế dự báo nguy cơ bùng phát dịch tay –chân – miệng trong cộng đồng là rất lớn và diễn biến phức tạp, đặc biệt thời điểm học sinh quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè là điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch dễ lây lan.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1439/CĐ-TTg ngày 18-8-2011, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 18-8-20111 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch tay –chân – miệng. Để chủ động khống chế không để dịch bùng phát trên diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1/ Sở Y tế: Tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại tất cả các bệnh viện và ở cơ sở; chuẩn bị cơ sở sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị, hạn chế tử vong khi có dịch bệnh xảy ra. Hệ thống y tế dự phòng chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng, thuốc cho các cơ sở đảm bảo kịp thời khoanh vùng, xử lý dịch, không để dịch lan rộng, tiếp nhận thông tin kịp thời, thực hiện đúng quy định về thông tin, báo cáo dịch, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác đối phó với bệnh tay –chân – miệng. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác vận động nhân dân phòng, chống bệnh tay –chân – miệng.

2/ Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông phòng, chống bệnh tay –chân – miệng với các hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đài PT-TH tăng cường số lần, thời lượng phát sóng đưa các thông tin, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay –chân – miệng do ngành Y tế cung cấp, nêu gương điển hình các hộ gia đình, xã, phường và thị trấn thực hiện tốt phong trào vệ sinh phòng bệnh trong cộng đồng.

3/ Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ động phối hợp với ngành Y tế đưa các nội dung tuyên truyền về tay –chân – miệng vào các chương trình ngoại khóa, nhằm giúp các em học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng phòng ngừa bệnh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đặc biệt các trường mẫu giáo, mầm non phối hợp với ngành y tế trên địa bàn triển khai các biện pháp khử khuẩn làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ… Hưởng ứng tích cực các phong trào vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh tay –chân – miệng do chính quyền địa phương các cấp phát động.

4/ Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Y tế tham mưu bổ sung kinh phí kịp thời, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tay –chân – miệng trên địa bàn tỉnh.

5/ Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức các biện pháp phòng dịch chủ động, thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường nơi công cộng nhằm phòng ngừa dịch bệnh tay –chân – miệng lây nhiễm trong cộng đồng, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các địa phương để dịch lan rộng, kéo dài. Huy động ngân sách, nguồn lực của địa phương để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả, kịp thời.

6/ Đề nghị các đoàn thể Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ trong cơ quan, đơn vị và nhân dân các địa phương tham gia tích cực trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay –chân – miệng.

7/ Giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình dịch bệnh; tham mưu, đề xuất kịp thời các giải pháp xử lý; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nội dung chỉ thị này.