Cần quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp

Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và Ban Quản lý các khu công nghiệp, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp và áp dụng các chính sách ưu đãi nhưng tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn.

(NTO) Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp (trong đó Khu công nghiệp Phước Nam đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa có doanh nghiệp (DN) hoạt động và Khu công nghiệp Dốc Hầm đang làm thủ tục chuyển đổi dự án đầu tư). Riêng 2 cụm công nghiệp hiện đã có 10 DN đang hoạt động sản xuất-kinh doanh, với tổng số lao động là 967 người (Cụm công nghiệp Thành Hải có 7 DN với 439 lao động, cụm Tháp Chàm có 3 DN với 539 lao động).

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Thuốc lá Sài Gòn trong ca sản xuất. Ảnh: Văn Miên

Theo số liệu khảo sát của Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp của tỉnh cho thấy: Lương bình quân của công nhân 2.390.000 đ/tháng; nếu tính thu nhập thì bình quân đạt 2.535.750 đ/tháng. Lao động gián tiếp lương 3.898.625 đ/tháng, thu nhập bình quân là 4.166.250 đ/tháng. Trong số 10 DN đang hoạt động tại cụm công nghiệp, mới có 5 DN đăng ký nội quy lao động; 5 DN đăng ký thỏa ước lao động tập thể; 6 DN đăng ký thang bảng lương; 5 DN có tổ chức công đoàn; có 46 người được cấp sổ lao động và khoảng gần 50% lao động đóng bảo hiểm bắt buộc. Các DN cũng có chính sách hỗ trợ tiền giữa ca từ 10.000-15.000đ/bữa/người nhưng chi vào lương, không tổ chức ăn giữa ca cho người lao động (chỉ có Công ty TNHH Một thành viên Thuốc lá Sài Gòn tổ chức ăn ca cho người lao động 20.000 đ/bữa/người). Do mới hoạt động, đang từng bước ổn định sản xuất nên công tác chăm sóc sức khỏe, nhà ở, tổ chức các hoạt động giải trí, văn hóa, văn nghệ cho người lao động nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức. Tại một số DN, nhất là DN có vốn đầu tư nhỏ, quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm, do đó người lao động chưa thực sự gắn bó với DN; thu nhập thấp, lương tăng chậm nhưng giá cả lại leo thang chóng mặt nên đời sống của công nhân còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do hầu hết người lao động xuất thân từ sản xuất nông nghiệp nên ý thức lao động còn mang tính tự do, tác phong công nghiệp còn nhiều hạn chế, từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến họat động sản xuất của DN.

Để người lao động an tâm lao động sản xuất, góp phần phát triển DN, thiết nghĩ tăng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động tại các DN là cần thiết, nhưng cũng cần quy định tăng mức lương tối thiểu cho phù hợp với thực tế mức lương thu nhập bình quân của người lao động trong vùng thì mới cải thiện thu nhập cho người lao động ở các vùng khó khăn. Vấn đề nhà ở, nơi sinh hoạt cộng đồng cho người lao động cần được quan tâm ngay từ khâu quy hoạch; khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng nhà ở tập thể cho người lao động của đơn vị mình; có chính sách duy trì, phát triển các nhà ăn tập thể, cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, khu vui chơi văn hóa, thể thao, siêu thị, đảm bảo môi trường vệ sinh, phương tiện nghe-nhìn công cộng bên ngoài các khu công nghiệp phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi, giải trí sau giờ làm việc của người lao động. Bên cạnh đó, cần sớm kiện toàn, củng cố, thành lập mới và tăng năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn trong các DN để thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; làm cầu nối giữa chủ DN với người lao động; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động cả chủ DN và người lao động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.