KỶ NIỆM 66 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Ninh Thuận

Cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các chi bộ Đảng, nhân dân Ninh Thuận đã vùng lên đấu tranh quyết liệt chống thực dân, phong kiến và tay sai, từng bước tạo nên thế và lực mới cho cách mạng phát triển.

(NTO) Sau đợt khủng bố trắng 1930-1931, nhiều cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng bị bắt, bị tra tấn, tù đày hoặc bị giết hại, các chi bộ Đảng vừa mới thành lập lại bị đánh phá. Nhưng cán bộ, đảng viên trong tỉnh vẫn kiên trì bám cơ sở, đấu tranh giữ vững và phát triển phong trào cách mạng. Năm 1940, đồng chí Cao Kế, Bí thư chi bộ trong nhà lao Phan Rang-Tháp Chàm có đề nghị với đồng chí Trần Hữu Dực, Xứ ủy viên Trung Kỳ phụ trách các tỉnh miền Nam Trung Bộ cho phép vũ trang nổi dậy. Nhưng trong điều kiện lúc đó, thời cơ chưa chín muồi, với cái nhìn chính xác, đồng chí Dực không cho phép địa phương manh động. Quyết định đó đã bảo toàn được lực lượng cách mạng tại địa phương, nhằm chuẩn bị về mọi mặt khi thời cơ đến. Đầu năm 1945, với lực lượng cán bộ và cơ sở đã có, Ủy ban Việt Minh lâm thời được thành lập, phân công cán bộ về cơ sở gấp rút củng cố lực lượng. Tháng 6-1945 Tỉnh uỷ lâm thời thành lập tập trung bàn kế hoạch phát triển quần chúng cách mạng, liên lạc với cấp trên để nắm chủ trương. Đầu tháng 8-1945, đồng chí Lê Tự Nhiên, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời ra Quảng Ngãi chờ truyền đạt chỉ thị mới của Trung ương.

Các đảng viên ở tỉnh nắm tình hình qua đài, qua các tỉnh bạn đã chủ động họp bàn kế hoạch, phân công nhiệm vụ, chuẩn bị phát động quần chúng đứng lên giành chính quyền khi thời cơ đến. Các đội tự vệ, đội danh dự để trừ Việt gian, các Hội quần chúng như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… nhanh chóng được thành lập ở các địa phương, đặc biệt đã đưa một số cán bộ cốt cán vào làm nòng cốt trong các tổ chức Thanh niên Bảo An, Thanh niên tiền tuyến thân Nhật. Trưa ngày 16-8-1945, được tin Nhật đã đầu hàng phe Đồng minh vô điều kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề ra kế hoạch chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. Được tin chiều ngày 21-8-1945 tổ chức “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật sẽ tổ chức mít-tinh tại sân Trường Tiểu học Bảo An, ngay trưa ngày 20-8, Uỷ ban Việt Minh tỉnh họp bất thường quyết định biến cuộc mít-tinh trên thành cuộc mít-tinh công khai của Việt Minh, kêu gọi quần chúng đứng lên giành chính quyền. 15 giờ ngày 21-8-1945, đông đảo Thanh niên cứu quốc, công nhân, quần chúng cách mạng được trang bị vũ khí thô sơ, băng-rôn, khẩu hiệu, cờ đã biến cuộc mít-tinh của địch thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng, và nhanh chóng giành chính quyền ở Tháp Chàm. 18 giờ 45 phút cùng ngày, đoàn biểu tình kéo xuống Phan Rang phối hợp với lực lượng cách mạng khống chế các công sở, đồn trại của binh lính tay sai Nhật. Tỉnh trưởng Phan Văn Phúc giao nộp ấn tín, chìa khóa, chỉ kho bạc… cho Việt Minh, đánh dấu chính quyền cấp tỉnh đã về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh các cấp từ ngày 21 đến 22-8 hầu hết các làng, huyện, tổng trong tỉnh nhanh chóng giành được chính quyền. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập và ra mắt đồng bào vào ngày 22-8-1945.

Như vậy, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ninh Thuận là một trong ba tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất miền Nam (sau Quảng Nam 18-8 và Khánh Hòa 19-8), góp phần cho Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước.

Ở Ninh Thuận yếu tố thắng lợi vô cùng quan trọng chính là sự kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của các đảng viên cộng sản và cán bộ Việt Minh. Là thắng lợi của việc tổ chức Đảng, các đồng chí đảng viên, cán bộ Việt Minh tỉnh đã xây dựng và tổ chức được lực lượng cách mạng, với nòng cốt là liên minh công-nông và đội ngũ trí thức. Trên cơ sở đó đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo và các tầng lớp xã hội khác tại địa phương. Sự lãnh đạo chủ động, sáng tạo của các đảng viên cộng sản và tinh thần dũng cảm, sức mạnh đoàn kết đấu tranh của quần chúng nhân dân và các dân tộc trong tỉnh chính là nội lực làm nên thắng lợi sớm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Ninh Thuận.

Từ việc giành chính quyền ở Ninh Thuận không vấp phải sự chống cự quyết liệt nào của địch và diễn ra trong thời gian tương đối ngắn. Bài học lịch sử rút ra từ thắng lợi đó chính là: Biết chọn thời cơ và biết chớp thời cơ; sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết thống nhất trong hành động của lực lượng cách mạng trong tỉnh; về công tác vận động quần chúng, nhất là tầng lớp công chức, trí thức, học sinh yêu nước tham gia khởi nghĩa giành chính quyền; về xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh và có mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy