Tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm 2011: Hầu hết các trường ngoài công lập xét tuyển bằng điểm sàn

Ngày 9-8, hàng loạt các trường Đại học tiếp tục công bố điểm chuẩn.

Ở phía Bắc, trường Đại học Xây dựng công bố điểm trúng tuyển vào trường đối với khối A: 18,0 điểm. Trường sẽ phân ngành cho thí sinh ngay từ năm thứ nhất căn cứ vào nguyện vọng và kết quả tuyển sinh. Những sinh viên không trúng tuyển theo ngành đã đăng ký tuyển sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng vào các trường còn chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển khối V- Ngành Kiến trúc (mã ngành 100): 24,5 điểm (trong đó điểm môn Toán và vẽ MT tính hệ số 1,5). Điểm trúng tuyển khối V- Ngành quy hoạch vùng và đô thị (mã ngành 101): 17,0 điểm.

Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành môn thi trong kỳ thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng năm 2011.
Ảnh: Trần Thanh

Học viện Tài chính có điểm trúng tuyển khối A là 20 và 20,5; khối D là 24,5 (môn ngoại ngữ nhân hệ số 2).

Trường Đại học Ngoại ngữ ( ĐHQG Hà Nội) có điểm trúng tuyển cao nhất là ngành tiếng Anh với 27 điểm, thấp nhất là 24 điểm (điểm ngoại ngữ tính hệ số 2).

Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam công bố điểm chuẩn hệ đại học 6 năm: 18,5 điểm. Điểm chuẩn hệ Cao đẳng điều dưỡng Y học cổ truyền: 11 điểm.

Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) công bố điểm chuẩn năm 2011 bằng điểm sàn. Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 19-25 đối với các ngành khác nhau.

Đại học Dầu khí Việt Nam có điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của tất cả các ngành (điểm chuẩn chung toàn trường) đối với thí sinh phổ thông khu vực 3 là: 18,5 điểm.

Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) lấy điểm điểm chuẩn NV1 tương đương với sàn của Bộ Giáo dục – Đào tạo và dành 3.800 chỉ tiêu cho NV2.

Trường Đại học Đại Nam cũng lấy bằng điểm sàn và nhận xét tuyển 1.400 chỉ tiêu NV2 tất cả hồ sơ phù hợp có điểm tổng ba môn thi trên mức điểm sàn được Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố.

Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Toán và Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn cao nhất (20 điểm- không hệ số). Điểm chuẩn thấp nhất là 15. Trường tiếp tục xét tuyển NV2 ở 9 ngành đào tạo Đại học và 1 ngành đạo tạo Cao đẳng.

Trường Đại học Trưng Vương (tỉnh Vĩnh Phúc) lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn và xét tuyển 500 chỉ tiêu NV2, NV3 từ điểm sàn trở lên.

Đáng chú ý, theo thông tin từ trường Đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam), thủ khoa khối A của trường đạt 12,5 điểm, tuy dưới mức điểm sàn nhưng vì được cộng 1 điểm ưu tiên khu vực nên đỗ vào trường. Đây cũng là thí sinh khối A duy nhất thi vào trường này đủ điểm đỗ.

Điều thấy rõ là các trường tốp trên vẫn giữ mức điểm chuẩn cao. Các trường cũng giữ chân thí sinh thi vào trường có điểm cao bằng cách xét chuyển ngành đối với các thí sinh đã đủ điểm trúng tuyển vào trường theo khối, nhưng không đủ điểm trúng tuyển theo chuyên ngành đăng ký dự thi ban đầu.

Trong khi đó, hầu hết các trường dân lập phía Bắc công bố điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ và dành hàng ngàn chỉ tiêu cho NV2. Đại học Thành Đô dành 3500 chỉ tiêu xét tuyển NV2, trong đó 1750 chỉ tiêu xét tuyển hệ Đại học. Đại học Dân lập Đông Đô tuyển sinh bằng điểm sàn 1.100 chỉ tiêu. Đại học dân lập Hải Phòng dành tới 63% chỉ tiêu cho NV2…Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở hầu hết các trường dân lập khác.

Trường Đại học Đà Lạt đã công bố điểm chuẩn NV1 vào trường. Điểm chuẩn dành cho học sinh phổ thông - khu vực 3 (diện không ưu tiên). Theo đó ngành sư phạm Ngữ văn, sư phạm Lịch sử và sư phạm tiếng Anh có điểm trúng tuyển cao nhất là 16 điểm. Còn lại các ngành khác lấy từ 13 đến 15 điểm.

Ngoài ra, một số trường cũng đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh: Đại học Mở Hà Nội, Đại học Thương mại Hà Nội, Học viện Ngân hàng.

Theo ghi nhận chung ở các trường dân lập, với mức điểm sàn mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đã công bố, các trường rất khó tuyển sinh. Đặc biệt, năm nay rất nhiều trường công lập địa phương cũng lấy điểm chuẩn tương đương điểm sàn, vì vậy các trường dân lập các khó cạnh trang.

Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết, thi Đại học – Cao đẳng 2011 có gần 647.000 em có kết quả thi đạt từ điểm sàn trở lên. Trong đó:

- Hệ đại học, số thí sinh có điểm số từ điểm sàn trở lên là trên 415.282 em. Trong đó, khối A (mức điểm sàn là 13 điểm) có 195.096 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Khối này có 593.911 thí sinh dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh là 157.258. Khối B (mức điểm sàn là 14 điểm) có 114.444 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Khối này có 253.843 thí sinh dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh là 29.571. Khối C (điểm sàn 14), số thí sinh có điểm từ sàn trở lên là 28.221 trên 70.346 thí sinh dự thi và 23.538 chỉ tiêu tuyển sinh. Khối D (điểm sàn 13) có 77.524 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Khối này có 178.632 thí sinh dự thi và tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 56.244.

Như vậy, hệ Đại học còn 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn không trúng tuyển NV1. Đây sẽ là nguồn tuyển NV2, NV3 cho các trường đại học thiếu nguồn tuyển.

- Ở hệ cao đẳng, tổng số thí sinh có điểm thi từ điểm sàn trở lên là 231.659 em. Trong số này, số thí sinh khối A là gần 153.500 em, khối B là gần 24.000 em, khối C là gần 11.400 em và khối D là 42.800 em.

Trao đổi với SGGP, ông Trần Hữu Nghị (Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng) cho hay, với điểm sàn này, trường lấy điểm chuẩn bằng sàn nhưng cũng chỉ có 37% thí sinh thi vào trúng tuyển, còn lại 63% phải tuyển NV2,3. “Tôi vẫn cho rằng nếu như Bộ hạ sàn xuống từ 0,5-1 điểm thì các trường ngoài công lập sẽ tuyển sinh dễ thở hơn. Đặc biệt là điểm sàn của khối C, với kết quả môn Sử thấp kỷ lục như năm nay, việc giữ điểm sàn bằng năm ngoái sẽ khiến nhiều trường khó khăn trong tuyển sinh khối C”-ông Nghị cho biết.

Nhiều trường dân lập cho hay, vì khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu nên các trường chỉ trông chờ vào đào tạo hệ liên thông và sẽ tích cực tới các vùng sâu, vùng xa thông tin tuyển sinh hệ trung cấp.

* Trường Đại học Luật TPHCM: Xét tuyển hơn 400 chỉ tiêu NV2

Sáng nay Trường Đại học Luật TPHCM công bố điểm chuẩn tuyển sinh NV1 năm 2011. Đối với ngành luật, điểm chuẩn xét tuyển vào chuyên ngành Luật thương mại, Luật dân sự và Luật quốc tế khối A: 15,5 điểm; khối C: 17,5 điểm; khối D1: 16 điểm; khối D3: 15,5 điểm. Chuyên ngành Luật hình sự và Luật hành chính khối A:15 điểm; khối C: 17 điểm; khối D1, D3: 15,5 điểm. Thí sinh có NV1 vào chuyên ngành Luật thương mại, Luật dân sự và Luật quốc tế có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn của chuyên ngành này nhưng đạt điểm xét tuyển vào ngành luật sẽ được xét tuyển vào các chuyên ngành Luật hình sự và Luật hành chính (khối A: 15 điểm; khối C: 17 điểm và khối D1: 15,5 điểm).

Ngành Quản trị kinh doanh điểm chuẩn khối A 15 điểm, khối D1 16 điểm và khối D3 15,5 điểm. Riêng đối với thí sinh dự thi khối D1 có điểm thi đạt 15,5 điểm và đã có đơn đăng ký ngành Quản trị - Luật là nguyện vọng bổ sung sẽ được nhà trường xét tuyển vào học ngành này. Ngành Quản trị - Luật điểm chuẩn khối A 15 điểm và khối D1, D3 lấy 15,5 điểm.

Trường xét tuyển 415 chỉ tiêu NV2 cho các khối A, C, D1 và D3. Ngành Luật gồm các chuyên ngành Luật thương mại, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật hành chính và Luật quốc tế xét 335 chỉ tiêu với khối A: 115 chỉ tiêu; khối C: 100 chỉ tiêu; khối D1 và D3: 120 chỉ tiêu. Ngành Quản trị kinh doanh: 40 chỉ tiêu (khối A: 15 chỉ tiêu, khối D1 và D3: 25 chỉ tiêu). Ngành Quản trị - Luật: 40 chỉ tiêu (khối A: 15 chỉ tiêu, khối D1 và D3: 25 chỉ tiêu). Mức điểm nhận hồ sơ NV2 các khối như sau: khối A: từ 15,5 điểm trở lên, khối C: từ 17,5 điểm trở lên khối D1 và D3: từ 16,0 điểm trở lên.

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM có điểm chuẩn tuyển sinh NV1 hệ Đại học các khối như sau: khối A, D1, V, H: 13 điểm và khối B, C: 14 điểm. Hệ Cao đẳng, điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của tất cả các ngành như sau: khối A, D1: 10 điểm; khối B, C: 11 điểm. Những thí sinh có NV1 vào hệ Đại học của trường không trúng tuyển nhưng có điểm từ 10 điểm trở lên (khối A, D1) hoặc từ 11 điểm trở lên (khối B, C) được trúng tuyển vào hệ Cao đẳng của ngành tương ứng.

Trường xét tuyển hơn 3.000 chỉ tiêu NV2 cho tất cả các ngành đào tạo ở hệ Đại học và Cao đẳng với điểm nhận hồ sơ hệ Đại học từ 13 điểm trở lên (khối A, D1, V, H), từ 14 điểm trở lên (khối B, C) và hệ CĐ có tổng điểm từ 10 điểm trở lên (khối A, D1), từ 11 điểm trở lên (khối B, C). Trường cũng thông báo cho thí sinh được rút hồ sơ trong thời hạn 15 ngày và trường không hoàn trả lại lệ phí xét tuyển khi thí sinh rút hồ sơ.

Nguồn Báo SGGP Online