50 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM (10/8/1961 - 10/8/2011)

Cần sự chung tay chăm lo của toàn xã hội

Di chứng kéo dài nhiều thế hệ do chất độc da cam gây ra đang là nỗi ám ảnh hàng nghìn gia đình. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, ở tỉnh ta có 4.498 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), trong đó có 893 nạn nhân là những cựu chiến binh, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Hiện nay cuộc sống của họ hết sức khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của xã hội.

(NTO) Chiến thắng số phận

Những ngày theo chân Hội NNCĐDC đi làm từ thiện, chứng kiến những thân hình co quắp, tay chân cong vẹo… chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi đau của các NNCĐDC. Thật cảm phục, trong số họ vẫn có những người vươn lên với quyết tâm chiến thắng số phận.

Nạn nhân chất độc da cam rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.

Tại buổi trao tiền hỗ trợ NNCĐDC ở huyện Ninh Phước do Công ty TNHH Ngọc Sơn tài trợ vào đầu tháng 8, có một em gái lặng lẽ ngồi khép mình cuối dãy ghế. Khi nhà hảo tâm đến trao quà, ánh mắt em sáng ngời giơ hai cánh tay ngắn củn, vụng về ra nhận. Qua trò chuyện, biết được em tên Mỹ Nguyên, học sinh giỏi lớp 5, Trường Tiểu học Long Bình (xã An Hải, Ninh Phước). Câu chuyện đến trường của em quả là gian nan. Không ít lần em đã khóc vì bạn bè trang lứa chỉ vào đôi tay dị tật trêu chọc. Nhưng rồi vượt qua mặc cảm, em chăm chỉ học tập, kết quả 5 năm liền đều đạt học sinh giỏi. Nguyên tâm sự: “Em mong sau này tự lo được cho bản thân để không trở thành gánh nặng của gia đình”.

Trường hợp em Nguyễn Thị Trang, ở thôn Long Bình 1, xã An Hải (Ninh Phước) lại đặc biệt hơn. Cho đến nay em là NNCĐDC (di chứng bị lồi mắt, hở hàm ếch) duy nhất trên toàn tỉnh học xong chương trình THPT. Nhờ vượt khó trong học tập, nên vừa qua em được tổ chức Hành trình xanh tặng một máy tính xách tay. Hiện em đang phấn đấu học tiếng Anh trên mạng, trang bị thêm kiến thức để tham gia vào tổ chức Hội NNCĐDC đấu tranh, bảo vệ những người cùng cảnh ngộ.

Có những NNCĐDC không chịu bất lực trước số phận, vươn lên làm giàu như trường hợp anh Vũ Thành Sơn ở khu phố 4, phường Thanh Sơn (Phan Rang-Tháp Chàm). Cả hai vợ chồng anh tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước anh chuyển sang công tác trong ngành Công an. Năm 1979 khi sinh đứa con trai đầu lòng thì bị nhũn não nằm liệt giường. Biết mình bị phơi nhiễm chất độc da cam di chứng sang con nên anh xin nghỉ chế độ ở nhà làm kinh tế để có điều kiện chăm sóc con. Lam lũ đủ nghề. Ban đầu là nuôi vịt, rồi nuôi bò, dê. Khi có ít vốn, anh mở công ty. Hiện nay anh có 2 công ty kinh doanh trong lĩnh vực trang trí nội thất và xây dựng, doanh thu hằng năm lên tới 5 tỷ đồng. Vừa qua anh vinh dự được Hội NNCĐDC tỉnh bầu chọn NNCĐDC sản xuất giỏi.

Cần lắm những tấm lòng nhân ái

Tuy nhiên, phần nhiều NNCĐDC bị tàn phế, mất khả năng lao động, cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Đơn cử như gia đình cựu chiến binh Lê Bạch Đằng, ở thôn An Xuân 3, Xuân Hải (Ninh Hải). Ông nhập ngũ năm 1946, từng ra Bắc vào Nam. Cả đời binh nghiệp chưa một lần chịu khuất phục trước kẻ thù, nhưng di chứng CĐDC lại làm cho gia đình ông kiệt quệ. 3 đứa con trai của vợ chồng từ lúc sinh ra đến nay không biết nói và đau đớn hơn là không phân biệt được người thân, người lạ. Ông Đằng, trầm ngâm: “Tôi được hưởng chế độ thương binh 4/4, nên dù khó khăn nhưng vẫn lo được ngày 3 bữa cho chúng nó. Chỉ sợ khi vợ chồng nằm xuống, các con không biết trông chờ vào ai”. Không riêng gì con của ông Đằng, mà cả tỉnh ta có 2.433 NNCĐDC mất khả năng lao động; trong đó chỉ có 310 người được hưởng chính sách trợ cấp, những nạn nhân còn lại sống trong nghèo khổ.

Ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh, cho biết: “Xuất phát từ thực tế, mặc dù Hội NNCĐDC tỉnh mới thành lập và đi vào hoạt động nửa năm nay nhưng đã tích cực tuyên truyền, vận động các đơn vị tài trợ để chăm lo cho các NNCĐDC”. Điều đáng nói là, một số người tự nguyện làm tình nguyện viên đi vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ NNCĐDC như chị Nguyễn Thị Kim Sinh, ở thôn Long Bình 1, An Hải (Ninh Phước). Thời gian qua một số đơn vị như Chi nhánh Viettel Ninh Thuận, Công ty TNHH Ngọc Sơn… thông qua Hội NNCĐDC tỉnh giúp đỡ NNCĐDC hàng chục triệu đồng. Số tiền chưa nhiều, nhưng đã làm ấm lòng NNCĐDC.

Ông Năm cho biết thêm, Ban trị sự chùa Mỹ Đông (Phan Rang- Tháp Chàm) đang đặt vấn đề với Hội NNCĐDC tỉnh nhận khoảng 30 em nhỏ là NNCĐDC có hoàn cảnh gia đình khó khăn về nuôi dưỡng. Một công ty nước ngoài nhận tài trợ dài hạn cho khoảng 50 NNCĐDC mỗi tháng 300 ngàn đồng/người. Hội cũng đã có kế hoạch lập đề án xây dựng Trung tâm Bảo trợ nuôi dưỡng NNCĐDC đề nghị UBND tỉnh phê duyệt. Rồi đây những NNCĐDC mất người thân sẽ có “ngôi nhà chung” để sinh sống, nỗi đau của họ vì thế phần nào được xoa dịu.